Khắc phục nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, vùng

3 năm trước 503

Mất cân đối thị trường lao động cục bộ

Theo khảo sát sơ bộ của Bộ LĐTBXH, trong khoảng từ tháng 7 đến đầu tháng 10, có khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ Thành phố Hồ Chí Minh và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam. Các tỉnh có nhiều lao động trở về là: An Giang (40.000 người), Sóc Trăng (33.000 người), Kiên Giang (32.000 người), Cà Mau (gần 21.000 người), Hậu Giang (9.211 người),...

Chú thích ảnhDoanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh TTXVN

Việc lao động trở về quê khiến quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, nhất là những tỉnh thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, nơi đã và đang bị tác động rất lớn bởi đại dịch. Sau khi các lao động trở về quê gây ra tình trạng thiếu lao động. Các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương có nhu cầu tuyển lao động lớn sau khi dừng giãn cách xã hội; trong khi đó một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thì số lao động không có việc làm nhiều, khả năng tìm việc làm tại tỉnh gặp khó khăn khi cầu lao động không lớn.

Do tác động của dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội nên số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và có xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm tiêu cực khi tăng việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và giảm việc làm trong khu vực công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, số lượng lao động có việc làm quý III/2021 là 47,2 triệu người, giảm gần 2,6 triệu người so với quý trước. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 14,5 triệu người, tăng 673.100 người so với quý trước; ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 952.500 người so với quý trước; ngành dịch vụ là 17,1 triệu người, giảm 2,3 triệu người so với quý trước.

Phân theo vùng thì lao động vùng Đông Nam Bộ giảm 1,5 triệu người (giảm tương ứng 14,5%); vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm 763.000 người (tương ứng giảm 8,3%). Các vùng khác số lao động có việc làm giảm dưới 4%, riêng vùng Tây Nguyên số người có việc làm gần như không thay đổi so với quý trước.

Số lao động bị tác động bởi dịch COVID-19 lớn, tăng từ 9,1 triệu người trong quý I/2021 lên hơn 28,2 triệu người trong quý III/2021. Trong quý III/2021, có 4,7 triệu người bị mất việc; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập. Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, lần lượt là 59,1% và 44,7%.

Khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động

Nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực và là vấn đề lớn đặt ra cho các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất. Khảo sát gần 23.000 doanh nghiệp trên toàn quốc cho thấy có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động. Trong đó, tập trung cao nhất ở là Bình Dương (36,9%); Bình Phước (34,4%) và Thành phố Hồ Chí Minh là 31,8%; Thiếu hụt lao động theo ngành: điện tử (55,6%), da giày (51,7%), May (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), dệt (39,5%).

Chú thích ảnhTiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH nhận định: “Các cơ quan chức năng cần xác định đúng tình hình để đưa ra giải pháp chuẩn xác. Các địa phương cần báo cáo, làm rõ, bổ sung thông tin về tình hình thiếu hụt lao động, thiếu ở đâu, thiếu ở các ngành nào, mức độ ra sao để giải quyết vấn đề. Nếu để đứt gãy thị trường lao động thì sẽ tốn kém rất nhiều, thời gian khôi phục lại trạng thái bình thường cũng sẽ rất dài. Thực tế vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn duy trì trả lương để giữ chân công nhân. Những nơi để đứt gãy nguồn cung lao động có thể là do doanh nghiệp "né" đóng bảo hiểm xã hội hoặc chưa có trách nhiệm với người lao động khi họ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cùng với những bức bối, áp lực trong thời gian dài phải giãn cách, sống khó khăn trong các khu trọ cho nên nhiều người quyết định rời thành phố”.

Về phương hướng kết nối cung cầu lao động trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Phục hồi thị trường lao động phải đặt trong mục tiêu chung về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả, từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đồng thời, bảo đảm từng bước phát triển thị trường lao động, gắn chặt việc phục hồi thị trường lao động với các yêu cầu về phục hồi sản xuất, phục hồi kinh tế chung của cả nước và từng địa phương, hạn chế thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động. Các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động sẽ được thiết kế theo hướng bảo đảm vừa tôn trọng các nguyên tắc vận hành của thị trường, vừa có những tác động để thúc đẩy khắc phục nhanh những bất cập, nhất là những yếu tố làm mất cân đối cung - cầu lao động.

Theo đó, các địa phương cần nhanh chóng rà soát và xây dựng báo cáo cụ thể về tình hình lao động trên địa bàn. Đối với người lao động (nguồn cung lao động), các địa phương, cần tổ chức nắm các thông tin cơ bản: Công việc đang làm; số lao động đang thất nghiệp, lý do thất nghiệp, thời gian thất nghiệp, công việc và nơi làm việc gần nhất trước khi thất nghiệp; nhu cầu của người lao động về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động, tìm kiếm việc làm mong muốn… Ưu tiên tổ chức nắm bắt thông tin của người lao động trở về địa phương từ tháng 6 năm 2021 trở lại đây.

Đối với doanh nghiệp, các địa phương tổ chức nắm thông tin về tình hình tuyển dụng và nhu cầu sử dụng lao động, với các thông tin cơ bản về quy mô hoạt động và nhu cầu về lao động (số lượng, trình độ), dự báo khả năng thiếu hụt lao động và các chính sách của doanh nghiệp cho người lao động; tập trung rà soát tại các doanh nghiệp có quy mô từ 300 lao động trở lên.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều tiết lao động giữa các ngành, giữa các địa phương và giữa các doanh nghiệp trong nội bộ từng địa phương. Do đó, để từng bước phục hồi thị trường lao động, từ những rà soát cụ thể, các địa phương cần chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động. Tổ chức phối hợp, thông tin giữa các địa phương trong công tác hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc bằng phương tiện vận tải công cộng hoặc phương tiện cá nhân, ưu tiên tầm soát xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo các chuyên gia lao động, để làm được vấn đề liên thông thông tin thị trường lao động cần có dữ liệu thông tin về cung cầu thị trường lao động được cập nhật thường xuyên. Tuy vậy, hiện nay dữ liệu kết nối về việc làm trên quy mô toàn quốc do Cục Việc làm chủ trì gần như rất thiếu.

Do đó, để duy trì sản xuất, yếu tố phòng dịch vẫn là yêu cầu hàng đầu nên Bộ LĐTBXH yêu cầu các địa phương chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất an toàn như: Hướng dẫn bảo đảm các tiêu chí an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội; hướng dẫn vay tiền để trả lương; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm mới cho tuyển và sử dụng lao động.

Để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc, Bộ LĐTBXH khuyến nghị các doanh nghiệp cần có chính sách thu hút, hỗ trợ người lao động tham gia thị trường lao động, đặc biệt là lao động vào làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất như: Hỗ trợ một phần trực tiếp bằng tiền mặt cho lao động chi phí đi lại, chi phí thuê nhà, chi phí y tế (xét nghiệm, cách ly); các nhu yếu phẩm thiết yếu…

Bộ LĐTBXH cũng chỉ đạo các tổ chức dịch vụ việc làm trên địa bàn khẩn trương tổ chức thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, thông tin người tìm việc; đồng thời tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, nhất là các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động.

 

Nguồn bài viết