'Không để cho tiêu cực trở thành ám ảnh của người trẻ'

2 năm trước 232
Không để cho tiêu cực trở thành ám ảnh của người trẻ - Ảnh 1.

Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cho biết quan điểm của Ban Bí thư Trung ương Đoàn là tiếp tục triển khai 3 phong trào, 3 chương trình đồng hành trong nhiệm kỳ 2022 - 2027 nhằm đảm bảo, duy trì tính bền vững - Ảnh: HÀ THANH

Ngày 29-12 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội để xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Nhấn mạnh Đại hội Đoàn toàn quốc là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng sự kiện không chỉ thu hút sự quan tâm của giới trẻ mà còn thu hút sự quan tâm của xã hội hướng đến tổ chức Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, nhất là giải pháp sáng tạo để tạo ra một bước phát triển mới cho thế hệ trẻ Việt Nam, góp phần vào thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Góp ý tại hội thảo, ông cho rằng trong dự thảo báo cáo chính trị cần nhấn mạnh hơn nữa về công tác giáo dục lòng yêu nước, giáo dục truyền thống dân tộc, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống trong thanh niên.

Không để cho tiêu cực trở thành ám ảnh của người trẻ - Ảnh 2.

GS.TS Hoàng Chí Bảo nêu quan điểm tại hội thảo góp ý xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc XII - Ảnh: HÀ THANH

Xung quanh vấn đề đánh giá thanh thiếu nhi Việt Nam, GS.TS Hoàng Chí Bảo cho biết hiện nay đang tồn tại hai xu hướng: một khuynh hướng hết lòng tin cậy, ủng hộ, cổ vũ thế hệ trẻ và một khuynh hướng đánh giá chưa cao về tuổi trẻ, về những việc làm chưa đúng chuẩn mực, lệch chuẩn. Ông cho rằng không thể đem những tiêu chí của thế hệ trước để áp đặt vào một thế hệ mới, thay vào đó phải tạo ra sự đồng thuận thông qua đối thoại, lắng nghe, thấu hiểu, thấu cảm với thanh niên để xây dựng "niềm tin có cơ sở khoa học".

Cùng với đó, dự báo mặt tích cực và dự liệu những yếu tố tiêu cực có thể xảy ra trong đánh giá về thanh niên.

"Không được để xảy ra khủng hoảng tinh thần trong lớp trẻ. Bằng cách khẳng định những mặt tốt là xu hướng chủ đạo, nhưng đồng thời cũng phê phán một cách mạnh mẽ những sai phạm, tiêu cực, giúp tuổi trẻ xác định được đúng thái độ, quan điểm, lẽ sống của mình, chứ không để cho tiêu cực trở thành ám ảnh người trẻ", GS.TS Hoàng Chí Bảo nêu quan điểm.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐHQG Hà Nội) góp ý, dự thảo báo cáo chính trị cần chứng minh được tuổi trẻ Việt Nam đủ sức tiếp nối thế hệ cha anh để làm chủ vận mệnh dân tộc, có những đóng góp xứng đáng với sự phát triển của đất nước.

Theo đó có thể đưa thêm vào các tiêu chí như: tỉ lệ thanh niên so với dân số hiện nay, đưa vào những thành tích tiêu biểu của thanh niên để nêu bật được trí tuệ Việt Nam, thể hiện được tầm vóc của thanh niên Việt Nam. Cùng với đó, đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu của thanh niên hiện nay.

Không để cho tiêu cực trở thành ám ảnh của người trẻ - Ảnh 3.

PGS.TS thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng trách nhiệm của thế hệ đi trước là tạo ra "cái khuôn" cho thanh niên - Ảnh: HÀ THANH

Tại hội nghị, PGS.TS thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công an, nhấn mạnh đến xây dựng niềm tin với thế hệ thanh niên, tin tưởng về "lớp sau hơn lớp trước".

"Thế hệ trước là 'cái khuôn', thanh niên là sản phẩm. Khuôn tròn thì ra sản phẩm tròn, khuôn méo ra sản phẩm méo. Đây là trách nhiệm của thế hệ đi trước", ông Cương nói.

Ông đặc biệt quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn và nêu quan điểm cần phân tích sâu về vấn đề này, coi đây là "khâu đột phá, có ý nghĩa chiến lược cơ bản và lâu dài". Theo ông, trong nhiệm kỳ tới, bên cạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, cần bồi dưỡng cho cán bộ Đoàn về khoa học và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý.

Tổ chức Đoàn tăng cường giám sát, phát hiện tiêu cực ngay khi phát sinhTổ chức Đoàn tăng cường giám sát, phát hiện tiêu cực ngay khi phát sinh

TTO - Khởi đầu cho đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong đoàn viên, thanh niên Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh đến việc tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình.

Nguồn bài viết