Người dân TP.HCM đến trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình đề thăm khám và điều trị - Ảnh: THU HIẾN
Sở Y tế TP.HCM cho biết năm 2022-2023, sẽ có 146 trạm y tế được nâng cấp, tiến tới chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Thu hút người bệnh mãn tính
Là một trong những trạm y tế đầu tiên của thành phố được chọn thí điểm theo mô hình nguyên lý y học gia đình, trạm y tế phường 22, quận Bình Thạnh đến nay đã thực sự trở thành nơi thu hút và tin tưởng của người dân. Mỗi ngày trạm y tế tại đây có đến 50-70 bệnh nhân đến thăm khám, trong đó đặc biệt là người bệnh mãn tính.
Bà K.E. (52 tuổi, quận Bình Thạnh) mắc tai biến nhẹ từ vài năm nay cho biết trước đây mỗi lần đi thăm khám sức khỏe bà phải đến Bệnh viện Quân y 175 (Gò Vấp) để điều trị. Trong quá trình di chuyển đến bệnh viện bà phải nhờ đến người thân đưa đi.
"Ban đầu tôi không biết trạm y tế có thể thăm khám và điều trị tốt như bệnh viện vậy, một người bạn của tôi đã giới thiệu trạm y tế có đầy đủ các máy móc, thiết bị... nên tôi thử đến để điều trị. Sau khoảng thời gian điều trị, tôi cảm thấy rất hài lòng, không ngờ trạm y tế như một bệnh viện như vậy", bà E. nói.
Tương tự, ông H.N. (67 tuổi, Bình Thạnh) đang điều trị bệnh lý về cột sống tại trạm y tế cho biết ông hay đến các bệnh viện tuyến trên để thăm khám, tuy nhiên vì lượng bệnh nhân đông đúc, nhân viên y tế chịu nhiều áp lực, việc chăm sóc tận tình cho bệnh nhân khó thực hiện.
"Tôi cảm thấy sau dịch COVID-19 vai trò của trạm y tế ngày càng rõ hơn, thấy trạm có đầy đủ các xét nghiệm như thế này thì rất bất ngờ. Giờ tôi không phải đi xe mò mẫm lên các tuyến trên, không phải đợi chờ, thái độ phục vụ của nhân viên rất tốt nên yên tâm", ông N. nói.
Muốn thu hút bệnh nhân nhưng thiếu thuốc
Bà Ngô Thị Minh Thu - trưởng trạm y tế phường 22, quận Bình Thạnh - cho biết trước dịch COVID-19 lượng bệnh nhân đến trạm y tế thăm khám rất ít, mỗi ngày chỉ có 15-20 bệnh nhân.
Bắt đầu từ tháng 4-2022 khi chuyển đổi thành trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, lượt thăm khám của trạm lên đến 50 - 70 bệnh nhân/ngày, đa số là những người bệnh mãn tính không lây như: tăng huyết áp, đái tháo đường... trước đây thường thăm khám tại tuyến trên.
Để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, trạm đã được Trung tâm Y tế quận đưa về sáu bác sĩ tham gia khám chữa bệnh. Ngoài ra, trạm được đầu tư thêm các máy móc trang thiết bị hiện đại khác như máy chụp X-quang, siêu âm, điện tâm đồ, máy kéo giãn cột sống, xung điện, máy xét nghiệm... nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, giảm tải bệnh tuyến trên.
"Về vấn đề trình độ chuyên môn của các bác sĩ người dân hoàn toàn có thể yên tâm, ngoài các bác sĩ ở trạm y tế chúng tôi còn được hỗ trợ chuyên môn bằng cách hội chẩn từ xa với các bác sĩ bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng...", bà Thu cho biết.
Tuy nhiên, theo bà Thu, hiện nay cần mở rộng thêm danh mục thuốc bảo hiểm y tế cho tuyến trạm y tế từ hạng 4 lên hạng 3, có như vậy mới thu hút được bệnh nhân đến khám bệnh tại trạm y tế, thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho người dân thăm khám tại tuyến cơ sở.
Danh sách các bác sĩ hỗ trợ cho trạm y tế - Ảnh: THU HIẾN
Rất cần thuốc cho bệnh nhân mãn tính
Bác sĩ Trương Hồng Hà - trưởng trạm y tế phường 5, quận 3, TP.HCM - cho biết khi trạm y tế chuyển đổi theo nguyên lý y học gia đình, lượng bệnh nhân đến thăm khám tại trạm tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay trạm thiếu rất nhiều loại thuốc bảo hiểm y tế dẫn đến lượng bệnh nhân đến thăm khám sụt giảm rất nhanh, có tháng trạm y tế chỉ có 20 bệnh nhân đến khám.
"Thiết bị y tế chúng tôi đã có đầy đủ, có thể vận hành được nhưng thiếu thuốc ở trạm y tế, người dân đến khám rất ít, nếu bệnh nhân có đến chúng tôi cũng hướng dẫn bệnh nhân lên thẳng tuyến trên. Việc cấp thuốc cho trạm y tế, đặc biệt là bệnh nhân mãn tính rất quan trọng để người dân đến khám", bác sĩ Hà nói.
Ngày 8-11, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề xuất cho thành phố triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế trong điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Theo sở này, hiện trạm y tế cấp xã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 340 loại thuốc, trong đó có 50 loại thuốc dành cho các bệnh mãn tính không lây. Nếu so với bệnh viện tuyến huyện thì trạm y tế thiếu đến 40 loại cần thiết để điều trị các bệnh mãn tính không lây.
Do đó, Sở Y tế TP.HCM đề nghị thí điểm mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế trong điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Danh mục bổ sung 40 loại thuốc dùng trong điều trị ngoại trú bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế gồm: thuốc giảm đau, hạ sốt; thuốc điều trị tăng huyết áp; thuốc điều trị suy tim; thuốc hạ lipid máu; insulin và nhóm hạ đường huyết; thuốc chữa hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...
Đảm bảo thuốc thiết yếu cho trạm
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới, với nhiều nhiệm vụ trong đó có đầu tư các trạm y tế chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, nâng cao năng lực khám chữa bệnh của trạm y tế (thông qua tư vấn hội chẩn chuyên môn, tập huấn, đào tạo liên tục, giao ban định kỳ, tổ chức hội thi trưởng trạm y tế giỏi...), và đảm bảo thuốc thiết yếu cho trạm y tế trong điều trị các bệnh mãn tính...