Người dân đến làm thủ tục tại Kho bạc Nhà nước TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc KBNN TP.HCM, đã cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về những thay đổi trong hoạt động thu chi của tổ chức này thời gian qua. Ông Hải nói: Từ tháng 3-2020, theo quy định, chi tiền mặt từ 200 triệu đồng trở lên phải qua ngân hàng, dưới 200 triệu đồng ở kho bạc. Thu tiền mặt được ủy nhiệm qua ngân hàng. Đến ngày 31-5-2020, số thu tiền mặt tại KBNN TP.HCM chỉ còn 727 tỉ đồng và số chi là 741 tỉ đồng.
* Làm sao để có thể thay đổi thói quen "đến kho bạc nộp tiền" tồn tại từ mấy chục năm qua, thưa ông?
- Với quy định như đã nêu, chúng tôi thấy rằng kho bạc vẫn phải duy trì bộ máy quản lý kho, hằng ngày phải xuất kho ra để phục vụ, cuối ngày phải cất tiền vào kho, phải duy trì đội ngũ để kiểm đếm tiền. Nhưng nếu trong ngày không có khách đến nộp tiền, đội ngũ này không có việc làm, cứ xuất kho tiền ra ngồi giữ, đến chiều mang tiền vào cất rất lãng phí lao động.
Tại sao lại phân cấp là 200 triệu đồng phải qua ngân hàng, dưới 200 triệu đồng phải ở kho bạc? Do đó, chúng tôi đã làm việc với các ngân hàng theo hướng tất cả khoản chi đều ủy nhiệm qua ngân hàng. Với phần thu, khi khách hàng mang tiền mặt đến kho bạc, chúng tôi vẫn thu nhưng phát cho khách hàng một tờ giấy hướng dẫn đến các ngân hàng được ủy nhiệm thu nếu có nhu cầu nộp tiền lần sau.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tuyên truyền vận động các đơn vị giao dịch, tổ chức người dân nộp thuế không bằng tiền mặt tại trụ sở kho bạc, tăng cường nộp thuế bằng phương thức điện tử như nộp qua Internet Banking, Moblie Banking, ATM, máy chấp nhận thẻ (POS)... hướng dẫn người nộp phạt qua cổng thông tin điện tử của Chính phủ, sử dụng các hình thức nộp trực tuyến, nộp chuyển khoản. Và từ tháng 3-2020 đến tháng 6-2020, chúng tôi thông báo từ 30-6-2020, KBNN sẽ không thu tiền mặt.
Và nhiều người đã chuyển qua nộp tiền mặt tại các ngân hàng. Với những trường hợp không nắm thông tin này, chúng tôi chuẩn bị sẵn xe chuyên dùng để hỗ trợ khách đưa tiền đến ngân hàng để nộp. Và rất may là hầu hết khách hàng đều hợp tác.
* Việc triển khai KBNN không tiền mặt mang lại lợi ích như thế nào cho các đơn vị giao dịch cũng như kho bạc?
- Do không phải mang hồ sơ thanh toán đến trụ sở kho bạc, đơn vị giao dịch sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí. Hệ thống dịch vụ công cũng cung cấp thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ... thông qua trạng thái "KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ", "KBNN đang xử lý hồ sơ", "KBNN đã thanh toán hoặc từ chối thanh toán", "Hồ sơ kiểm soát chi xử lý quá hạn"... giúp đơn vị giao dịch biết và kiểm soát được hồ sơ được KBNN tiếp nhận và xử lý như thế nào.
Kho bạc không tiền mặt cũng giúp KBNN TP.HCM hoàn thành mục tiêu trong chiến lược phát triển thành kho bạc điện tử, không giao dịch bằng tiền mặt và kiểm soát chi điện tử qua dịch vụ công trực tuyến, góp phần cùng TP.HCM thực hiện đề án chính quyền điện tử. Lãnh đạo KBNN cũng theo dõi được hoạt động thu chi, nắm được tình trạng xử lý hồ sơ, giúp tăng tính trách nhiệm của cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công tác kiểm soát chi được minh bạch, phục vụ đơn vị giao dịch được tốt hơn.
* Cùng với "kho bạc không tiền mặt", dịch vụ công trực tuyến được hệ thống KBNN triển khai đã đạt kết quả thế nào, thưa ông?
- Dịch vụ công trực tuyến đã được hệ thống KBNN triển khai từ năm 2018. Nhưng đến hết năm 2019, số hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến chỉ chiếm 19,7% tổng số hồ sơ giải quyết qua KBNN TP.HCM do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thủ trưởng đơn vị chưa quen với xử lý công việc trên máy tính, ký chữ ký số.
Do đó, chúng tôi đã phải áp dụng nhiều biện pháp, như giao chỉ tiêu đến các đơn vị; đồng thời tuyên truyền, vận động các đơn vị sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi thực hiện thủ tục thanh toán với hệ thống KBNN, không gửi hồ sơ thanh toán bằng phương thức trực tiếp... Bên cạnh đó, chúng tôi lắng nghe các ý kiến phản hồi từ đơn vị sử dụng ngân sách, đánh giá và gửi văn bản kiến nghị về KBNN cải tiến dịch vụ công theo hướng đơn giản, dễ sử dụng, hoạt động ổn định... Chúng tôi cũng lập đội hỗ trợ để hỗ trợ kịp thời đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký tham gia dịch vụ công và xử lý các vướng mắc trong quá trình sử dụng. Nhờ đó kho bạc vẫn hoạt động suôn sẻ ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.
Kết quả bước đầu khá tích cực khi số hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến tăng lên rất nhanh. Từ mức 42% trong tổng số hồ sơ giải quyết qua KBNN TP.HCM vào tháng 3-2020 đã tăng lên 99,5% từ tháng 8-2020, trở thành đơn vị dẫn đầu trong hệ thống KBNN về việc triển khai dịch vụ công trực tuyến.
99% thu chi qua kho bạc đều không dùng tiền mặt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hùng Sơn, vụ trưởng Vụ Tổng hợp - pháp chế, KBNN, cho biết cơ quan này vừa phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN đến năm 2025. Theo đó, phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ không còn giao dịch chi bằng tiền mặt, giảm các giao dịch thu bằng tiền mặt tại KBNN.
Cũng theo ông Sơn, mục tiêu thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong hệ thống KBNN là nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và các đơn vị có giao dịch với KBNN. Đến hết tháng 4, KBNN đã phối hợp thu với 15 hệ thống ngân hàng thương mại gồm VietinBank, BIDV, Vietcombank, Agribank, MB, SHB, VPBank, Techcombank, SeABank, HDBank, MSB, OCB, LienVietPostBank, TPBank và ACB. Tới đây, KBNN sẽ tiếp tục triển khai thu với những ngân hàng còn lại để người dân nộp các khoản thuế, phí, lệ phí... vào ngân sách một cách dễ dàng. Đơn cử như nộp các khoản phạt vi phạm giao thông, người dân có thể chuyển khoản tiền phạt qua ngân hàng mà không cần phải đến giao dịch trực tiếp tại KBNN.
Theo số liệu thống kê của KBNN, số thu và chi qua KBNN bằng TTKDTM tăng trưởng đều trong 5 năm qua. Riêng năm 2020, tổng thu qua KBNN bằng TTKDTM đạt 99,44% với hơn 1,615 triệu tỉ đồng, tổng chi đạt 98,59% với 1,687 triệu tỉ đồng. "Con số này cho thấy người dân, tổ chức không phải đến trụ sở KBNN hay ngân hàng để nộp hoặc nhận tiền từ ngân sách nhà nước nữa mà đều sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại, không dùng tiền mặt" - ông Sơn nói.
L.THANH
Ngư dân tiết kiệm tốt hơn
Ngư dân quen dần với không xài tiền mặt nhưng trụ ATM còn ít - Ảnh: DUY THANH
Ông Huỳnh Tấn Anh, chủ tàu đánh cá lưới vây ở phường Hòa Hiệp Nam (thị xã Đông Hòa, Phú Yên), cho biết thay vì chỉ nhận "tiền tươi thóc thật" sau mỗi chuyến biển, khoảng 30% số ngư dân tại địa phương này đã sử dụng phương tiện thanh toán không tiền mặt.
"Trong quá trình đánh bắt, tàu tôi thường bán cá cho tàu hậu cần của nậu vựa ngay trên biển và được chuyển tiền vào tài khoản thẻ của tôi hoặc của vợ tôi ở nhà, rất tiện lợi. Một số bạn thuyền cũng muốn được chuyển tiền vào tài khoản chứ không đòi nhận tiền mặt sau chuyến biển như trước nữa" - ông Anh cho hay.
Ông Phạm Ngọc Thoại, một ngư dân tại phường Hòa Hiệp Trung (thị xã Đông Hòa), cũng cho biết việc chủ tàu chuyển tiền công vào tài khoản cho vợ ông ở nhà đã giúp cho việc tiết kiệm tốt hơn là nhận tiền mặt.
"Ngư dân khó khăn nên cầm tiền mặt là sử dụng vào nhiều việc, nhanh hết tiền lắm. Còn giờ tiền được chuyển vào tài khoản, khi cần việc gì đó mới rút ra một khoản, không thì để dành đó. Ban đầu sử dụng thẻ cũng thấy bỡ ngỡ, nhưng giờ quen rồi" - ông Thoại nói.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Hồng - giám đốc Công ty TNHH Bá Hải, doanh nghiệp chuyên mua cá ngừ đại dương tại tỉnh Phú Yên, việc thanh toán qua thẻ ở các vùng nông thôn, ngư nghiệp cũng chưa thật hiệu quả do chưa có các điểm mua bán có máy cà thẻ thanh toán, trong khi nhiều ngư dân chưa quen với việc thanh toán qua app trên điện thoại di động...
DUY THANH