Không làm chính sách chung chung, khẩu hiệu mà phải cụ thể, có lợi cho doanh nghiệp

2 năm trước 270
Không làm chính sách chung chung, khẩu hiệu mà phải cụ thể, có lợi cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

TP.HCM có nhiều chương trình, kế hoạch đột phá nhưng khâu thực thi cụ thể ở từng sở ngành không tương xứng, gây khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế của VCCI, đưa ra đề xuất tại tọa đàm “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 16-12.

Ông Tuấn cho biết chỉ số PCI của TP.HCM trong những năm qua không phải là thấp, nhưng so với vị thế, tiềm năng và quyết tâm của chính quyền là không tương xứng. Để cải thiện chỉ số PCI, TP.HCM nên tập trung vào hiệu quả thực thi chính sách hơn là ban hành chính sách. Bởi cái gì không đo đếm được thì rất khó cải cách, chính sách chung chung thì không thể tạo ra hiệu quả thực tế. 

Khảo sát của VCCI trong quý 3 và quý 4 vừa qua cho thấy 95% doanh nghiệp tại TP.HCM bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Trong đó có 54,17% doanh nghiệp đánh giá là chịu tác động hoàn toàn tiêu cực. Chỉ có 3% doanh nghiệp không ảnh hưởng gì, 2,3% số doanh nghiệp có tác động tích cực bởi COVID-19. Khoảng 70% doanh nghiệp dự kiến sụt giảm doanh thu với mức giảm trung bình khoảng 40% so với năm 2020.

Điều đó cho thấy TP.HCM cần thực hiện cả hai biện pháp là hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục vượt qua khó khăn vì COVID-19 và hướng tới một môi trường đầu tư lành mạnh, thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng để thành công tại TP.HCM thì Know WHO (quen biết ai) quan trọng hơn là Know HOW (bí quyết kinh doanh).

Chi phí không chính thức của doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn còn phổ biến dù đã giảm qua từng năm. Cụ thể, năm 2015 có 73% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải chi các chi phí không chính thức trong quá trình hoạt động, thì đến năm 2021 chỉ còn 46%. “Cả quy mô và số lượng chi phí không chính thức đều giảm”, ông Tuấn cho biết.

Thủ tục đầu tư đất đai trong 2 năm qua vẫn là vấn đề đau đầu với doanh nghiệp. Doanh nghiệp tốn nhiều thời gian và chi phí cho giải phóng mặt bằng, làm thủ tục. Có 43% doanh nghiệp trong ngành tại TP.HCM cho rằng gặp khó vì thủ tục đầu tư bất động sản, trong khi trung bình của cả nước là 38%. Trong đó, 38% doanh nghiệp phải trả các chi phí không chính thức (trung bình toàn quốc là 21%) và gặp khó bởi cán bộ không hướng dẫn cụ thể làm ảnh hưởng 33% số doanh nghiệp (trung bình toàn quốc là 18%). 

“Như vậy là TP.HCM cần phải làm nhiều và cũng có nhiều không gian để cải cách về vấn đề này”, ông Tuấn đề nghị.

Không làm chính sách chung chung, khẩu hiệu mà phải cụ thể, có lợi cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các sở ngành có kế hoạch thực thi cụ thể, chi tiết để đưa chính sách vào cuộc sống, không xây dựng kế hoạch chung chung, khó đo đếm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng PCI của TP thời gian qua chưa thể hiện đúng quyết tâm đổi mới, kiến tạo môi trường kinh doanh, sự đón nhận và đối thoại với doanh nghiệp. TP nỗ lực bao nhiêu mà bên dưới có giải quyết được hay không là một câu chuyện khác. 

“Sao chính quyền làm nhiều chuyện hay mà doanh nghiệp vẫn không hài lòng. Bao nhiêu kế hoạch, chiến lược, đề án chúng ta có nhưng thực thi là chưa tốt”, ông Hoan cho biết. 

Ông Hoan đặt vấn đề, ngành nào của TP cũng có kế hoạch cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện chỉ số PCI nhưng sao không làm được? Có giám sát được cán bộ làm tốt hay không? Nếu có hành vi nhũng nhiễu gây khó, vòi vĩnh sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ công sức đã làm. 

“Đề nghị từng ngành phải có kế hoạch nhưng không 'tăng cường', 'đẩy mạnh', 'tập trung', 'kiên quyết'... nữa mà cụ thể làm cái gì, không chung chung nữa. Phải có cả kế hoạch thực thi, việc gì, ai làm, kế hoạch kiểm tra giám sát ra sao”, ông Hoan phát biểu.

 Chất lượng sản phẩm, dịch vụ ở TP.HCM tương đương tại NhậtChủ tịch JCCH: Chất lượng sản phẩm, dịch vụ ở TP.HCM tương đương tại Nhật

TTO - 10 năm trở lại đây, các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng Nhật Bản đã có mặt tại nhiều nơi ở TP.HCM, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng người Nhật, mà còn phục vụ rất đông người Việt.

Nguồn bài viết