Không học sao dám mơ bay xa

1 năm trước 134
Không học sao dám mơ bay xa - Ảnh 1.

Vượt qua trầm cảm, Quỳnh Như theo đuổi ngành tâm lý học với ước mơ chữa lành vết thương tâm lý cho người khác - Ảnh: C.TRIỆU

Cô bé ấy là Nguyễn Thị Quỳnh Như, thủ khoa đầu vào ngành tâm lý học Trường ĐH Văn Hiến. Cũng bởi suốt 12 năm qua, đường học của Như chưa bao giờ dễ thở.

Thất học luôn là nỗi ám ảnh với mình. Nếu không học, việc thoát khỏi xóm trọ nghèo này cũng đã khó, huống chi mơ bay cao bay xa.

NGUYỄN THỊ QUỲNH NHƯ

Nỗi lo... đời ở trọ!

Đời ở trọ, Như có vẻ phân trần khi đón khách tại chiếc phòng tuềnh toàng, ẩm thấp là nơi ở của cả nhà năm người. "Đời ở trọ" của cô bạn bắt đầu ngay từ khi lọt lòng. 18 năm qua cũng là khoảng thời gian Như lớn lên ở khắp các gian trọ Sài Gòn, nếm đủ khó nhọc.

Như căn trọ nằm sát trục đường Lương Định Của (TP Thủ Đức) cả gia đình đang ở cứ mưa lại dột tứ phía. Ngay tấm ván sàn căn gác lửng, nơi ăn ngủ của mấy chị em cũng bị nước mưa ngấm lâu ngày đã bắt đầu mục dần. "Mình vừa sang hàng xóm mượn búa, xin ít đinh, tấm ván cũ vá lại rồi chắc không sao đâu", Như khoe.

Như rất sợ mưa. Có lần ba mẹ phải về Đồng Nai, đêm đó ba chị em ngủ thì trời mưa, trở gió mạnh thổi bung cánh cửa sổ gian trọ. Lần khác, mưa lớn cũng trong đêm khiến tấm tôn mục ngay đầu giường bị xé toạc, nước giội thẳng vào chỗ đang ngủ. Hoảng loạn lắm nhưng Như phải cố bình tĩnh vỗ về hai em.

Để thôi buồn, cô bé nghĩ về người cha tảo tần quanh năm bên vệ đường ở cái chòi đánh bóng lư đồng tại Đồng Nai, còn mẹ quanh năm ốm đau. Càng lớn, nỗi sợ những trận mưa đêm dần vơi đi, thay vào đó Như phải đối diện với nỗi lo lớn hơn, sợ một ngày sẽ không còn được đến trường. Bởi sau Như, hai đứa em cũng đang tuổi ăn tuổi học, cha mẹ thì mỗi ngày một lớn, sức khỏe cũng kém đi...

Bước qua "hố sâu" trầm cảm

Như đủ lớn để hiểu rõ tình cảnh gia đình mình hiện tại. Mẹ Như không biết chữ, mỗi lần muốn viết tên mình cũng phải cố gắng lắm mới hoàn thành càng khiến Như sợ hãi nếu chẳng may mình cũng như thế. Vì lo đứt gãy đường học nên lúc nào còn được học, bạn cũng cố gắng, nỗ lực hơn sức của mình.

Để đến được trường, đều đặn mỗi ngày Như phải thức trước 5h sáng, đi bộ hơn 500m ra bến xe buýt và phải qua hai chuyến xe mới tới. Bạn cũng bắt đầu tìm việc làm thêm để đỡ đần chi phí cho mẹ. Hầu như chỉ dám ăn cơm nhà, hôm nào phải học ở trường từ sáng đến tối, Như ăn cơm sáng ở nhà, rồi mua thêm ổ bánh mì cắt đôi thành bữa trưa và chiều tối.

Như khá nhanh nhẹn, thích hát, lại hay cười, chỉ là ít người biết bạn đã từng trầm cảm thời gian dài. Những câu châm chọc vô tình về hoàn cảnh, xuất thân... của đám bạn chung trường khiến Như tổn thương, sống khép kín, chẳng muốn trò chuyện cùng ai. Đó là những ngày mà Như chỉ mong thời gian trôi thật nhanh để được sớm về nhà, trùm chăn và khóc. Đó cũng là năm duy nhất trong suốt 12 năm học, Như từ học lực giỏi rớt xuống loại trung bình, giật mình và tuyệt vọng.

Lúc này, Như càng khao khát mình sẽ sớm thành công. Như chọn bước ra, thoát khỏi "bóng tối" trầm cảm, đối đầu bằng việc quyết tâm chọn tâm lý học, xét học bạ với điểm trung bình năm lớp 12 của Như là 9,3 điểm. "Chọn ngành này một phần vì bản thân từng bị trầm cảm và việc mình bước qua "hố sâu" ấy cũng là một lợi thế của mình đấy chứ", Như nói đầy tự tin.

Nhắc đến học trò cưng, cô Phạm Thị Quỳnh Nga - giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên TP Thủ Đức - không ngớt lời khen. Cô Nga nói khó mà tìm được một học sinh gia đình rất khó khăn mà chịu học và học giỏi như vậy tại một lớp ở trung tâm.

Cô Nga kể câu chuyện thời điểm dịch COVID-19 đỉnh điểm ở TP, bố mẹ Như không thể đi làm, nợ tiền nhà trọ bốn tháng liền. Biết chuyện, cô đã chia sẻ câu chuyện về Quỳnh Như với cộng đồng dân cư khu chung cư cô sống. Bất ngờ, chỉ vài dòng chia sẻ của cô mà mọi người hỏi thăm, mỗi người góp một chút được hơn 30 triệu đồng cùng giúp gia đình Như.

Điều khiến cô Nga bất ngờ là mẹ Như chỉ xin nhận đủ đóng tiền nhà trọ, số còn lại nhờ cô giáo đóng tiền bảo hiểm cho bạn học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn trong trung tâm. Phần còn lại nhờ cô giáo giữ giúp dành cho Như vào đại học sẽ có phần nào lo liệu. "Tôi cảm phục vì cách nghĩ và sự sẻ chia của mẹ cô học trò khi gia đình trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy", cô Nga tâm sự.

Không học sao dám mơ bay xa - Ảnh 4.

Hành trình 20 mùa Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ dành cho các tân sinh viên khó khăn - Đồ họa: NGỌC THÀNH

'Biết được nhận học bổng Tiếp sức đến trường, hai anh em đã ôm nhau nhảy cẫng'

TTO - Sáng nay 11-12, tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), báo Tuổi Trẻ phối hợp tỉnh đoàn các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 69 tân sinh viên.

Nguồn bài viết