Không gian ngầm đô thị - 'mỏ vàng' chờ khai phá

2 năm trước 121
Không gian ngầm đô thị - mỏ vàng chờ khai phá - Ảnh 1.

Một số tầng hầm của Vincom Center được bố trí là các nhà hàng, quán ăn, quán nước... - Ảnh: T.T.D.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ xây dựng luật về quản lý không gian ngầm. Tuy nhiên, ý kiến từ nhiều phía cho thấy việc này không đơn giản.

Rắc rối từ nhà dân

Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại nhiều trung tâm thương mại, tòa nhà chung cư đến khu dân cư có mật độ cao như phố cổ ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho thấy nhu cầu xây dựng tầng ngầm, không gian ngầm là rất lớn. 

Ghi nhận tại một trung tâm thương mại "dưới lòng đất" trên địa bàn quận Thanh Xuân dù là ngày giữa tuần, tiết trời mưa lạnh nhưng lượng khách đổ về các nhà hàng Nhật, Hàn đông nghẹt.

Anh Chuẩn (36 tuổi) - nhân viên môi giới nhà đất có trụ sở tại phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) - cho biết: "Tôi rao bán nhiều căn nhà liền kề nhưng khách cũng hay quan tâm đến tầng hầm. Nếu nhà có một tầng hầm để ô tô thì sẽ đắt khách so với căn không có hầm. Có nhiều vị khách còn đặt câu hỏi với tôi sau khi mua nhà cải tạo làm thêm tầng hầm hoặc bán hầm nhưng thủ tục xin phép rất phức tạp vì còn liên quan đến thiết kế, bản vẽ nên rất muốn hướng tới công nhận quyền sử dụng đất không gian ngầm để quản lý chặt chẽ hơn".

"Tôi đã đi du lịch ở nhiều quốc gia như Nhật, Pháp..., đã tham quan nhiều công trình ngầm của họ rất hoành tráng. Công trình ngầm dưới lòng đất không chỉ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, kinh doanh thương mại, hút khách du lịch mà còn là nơi thoát nước khi có mưa, lũ", anh Chuẩn nói thêm.

Từ việc xây dựng công trình ngầm, thời gian qua cũng nảy sinh nhiều bất cập khi xây dựng công trình ngầm nhưng thiếu quy định quản lý. Năm 2020, vụ việc nhà phố xây đến bốn tầng hầm trên đường Trần Phú (quận Ba Đình, Hà Nội) đã gây xôn xao dư luận. 

Ban đầu, ngôi nhà này chỉ được cấp phép một tầng hầm. Khi đó, đại diện Phòng Quản lý đô thị (UBND quận Ba Đình) cho rằng việc cấp phép nhà ở riêng lẻ có bốn tầng hầm, chiều cao mỗi tầng 3,3m phù hợp với tiêu chuẩn xây dựng. 

Tuy nhiên nhiều luật sư, chuyên gia lại khẳng định việc cấp phép nhà phố có đến bốn tầng hầm là trái thẩm quyền, không đúng các quy định hiện hành. 

Vụ việc này sau đó được đẩy lên các cơ quan trung ương để giải quyết nhưng đến nay công trình vẫn đang nằm "đắp chiếu" và người dân sinh sống trên đường Trần Phú cạnh công trình vẫn đang chờ cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm.

Không gian ngầm đô thị - mỏ vàng chờ khai phá - Ảnh 2.

Nhà phố có đến 4 tầng hầm trên đường Trần Phú (quận Ba Đình, Hà Nội) - Ảnh: Q.THẾ

Đến các công trình công cộng

Hà Nội và TP.HCM là những siêu đô thị có mật độ dân cư cao, tuy nhiên không gian ngầm hầu như vẫn chưa được khai thác nên tình trạng thiếu bãi đậu xe ở khu vực trung tâm ngày càng nghiêm trọng.

Để khắc phục tình trạng này, trong quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 (được phê duyệt tháng 3-2022), Hà Nội thông qua việc xây dựng 78 bãi đậu xe ngầm ở khu vực bốn quận nội đô là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, các công trình bãi đậu xe ngầm được quy hoạch xây dựng tối đa năm tầng ngầm.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã lên kế hoạch đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm tại khu vực trung tâm nhưng kế hoạch này chưa thể thực hiện vì vướng đủ thứ như việc tính tiền sử dụng đất tại cùng một địa điểm đối với phần đất trên bề mặt và phần ngầm, cấp quyền sử dụng đất đối với công trình độc lập mà chủ sở hữu không có bề mặt, xác định quyền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công trình ngầm, pháp luật về đất đai, đầu tư, quản lý sử dụng tài sản công chưa có quy định về việc giao, cho thuê cùng một khu đất cho hai đơn vị khác nhau...

Để tìm giải pháp, TP Hà Nội đã gửi văn bản đến các bộ, ngành, đề nghị hướng dẫn thủ tục thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư các dự án bãi đậu xe ngầm. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc TP đề nghị các bộ hướng dẫn thủ tục, trình tự lựa chọn nhà đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm khi chưa có quy định pháp luật là không có cơ sở. 

Bộ Tài chính đề nghị TP Hà Nội từ thực tiễn triển khai đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan, đặc biệt hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Luật đất đai sửa đổi.

Một thực tế khác, tại Hà Nội và TP.HCM đều đang xây dựng các tuyến đường sắt đô thị với nhiều đoạn chạy ngầm dưới lòng đất, theo đó sẽ có nhiều ga ngầm được xây dựng để phục vụ vận hành tuyến và kinh doanh thương mại sau này nhưng đến nay vẫn thiếu những quy định hướng dẫn nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. 

Chẳng hạn, việc phê duyệt quy hoạch xây dựng nhà ga ngầm C9 của tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) thực hiện nhiều năm qua đến nay vẫn chưa xong. Nguyên nhân do quy hoạch ga C9 vướng vào vùng bảo vệ 1, vùng bảo vệ 2 của di tích hồ Hoàn Kiếm và địa chất khu đất xây dựng.

Không gian ngầm đô thị - mỏ vàng chờ khai phá - Ảnh 3.

Nhà ga ngầm Ba Son tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, quận 1, TP.HCM đang hoàn thiện đưa vào hoạt động - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vấn đề mới, phức tạp

Trao đổi với Tuổi Trẻ, KTS Phạm Thanh Tùng - chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - cho rằng Hà Nội và TP.HCM sẽ cần nhiều công trình ngầm, đặc biệt là công trình công cộng. Tuy nhiên, từ trước đến nay chúng ta chỉ có quy hoạch không gian phần mặt đất chứ chưa chú trọng quy hoạch không gian ngầm đô thị.

Cũng theo vị chuyên gia này, từ trước đến nay ở Việt Nam chỉ có quy hoạch hệ thống kỹ thuật ngầm như cấp, tiêu thải nước, điện, viễn thông... chứ chưa quy hoạch có tính tổng thể hệ thống bãi đậu xe ngầm đô thị. Về lâu dài sẽ phải xây dựng nhiều công trình phục vụ cộng đồng dưới lòng đất cùng hệ thống giao thông công cộng ngầm như metro. Được như vậy thì các TP lớn mới phát triển đầy đủ.

Còn theo ông Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, quản lý không gian ngầm đô thị là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm qua nhưng giữa không gian ngầm với không gian trên mặt đất hiện nay còn khác nhau rất nhiều. 

Luật đất đai xác định quyền sử dụng đất là từ mặt đất trở lên, giờ sửa Luật đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới bổ sung thêm quyền sử dụng cả không gian ngầm dưới lòng đất.

Bên cạnh đó, theo ông Nghiêm, Luật xây dựng sửa đổi năm 2020 đã quy định phải có quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, TP Hà Nội là đô thị đầu tiên trên cả nước có quy hoạch không gian ngầm đô thị được duyệt nhưng quá trình thực hiện quy hoạch này phát sinh nhiều bất cập, gây tranh cãi giữa phần không gian ngầm và không gian nổi trên mặt đất.

Ông Nghiêm nhận định xu hướng phát triển không gian ngầm, công trình ngầm đô thị ngày càng "nóng" lên, được quan tâm ngày càng lớn hơn để khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường.

Bất cập lớn nhất trong phát triển công trình ngầm, không gian ngầm đô thị hiện nay là quy định khác nhau giữa các luật hiện nay nên cần có quy định chung, hướng dẫn chung về phát triển không gian ngầm đô thị.

Nhiều chuyên gia về quy hoạch cũng khẳng định để phát triển được không gian ngầm cần có nghiên cứu kỹ hơn các vấn đề liên quan vì nó liên quan tới nhiều ngành. Đầu tiên phải xác định được hiện trạng phát triển không gian ngầm ở các đô thị; tiếp đó phải xây dựng được nội dung quy hoạch không gian ngầm.

Thực tế, trong những quy hoạch xây dựng đô thị thời gian gần đây nhiều địa phương đã tính tới khống chế xây dựng công trình ngầm nhưng vấn đề căn cứ vào đâu để quyết định việc cấp phép xây dựng tầng ngầm thì chưa rõ.

Hơn nữa, chúng ta đang thiếu cơ chế quản lý không gian ngầm. Và muốn quản lý được không gian ngầm đô thị thì việc đầu tiên cần làm là xây dựng bản đồ địa chất từng khu vực đô thị để từ đó xác định chính xác số tầng ngầm được phép xây dựng trên từng khu đất.

Bà Mai Thị Liên Hương (cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng):

Sẽ xây dựng luật riêng để quản lý không gian ngầm đô thị

Với xu hướng phát triển mạnh mẽ không gian ngầm tại các đô thị lớn hiện nay thì việc xây dựng riêng một luật để quản lý phát triển không gian ngầm đô thị là cấp thiết. Hiện Bộ Xây dựng đang báo cáo Chính phủ việc xây dựng luật về quản lý không gian ngầm đô thị.

Dự kiến sẽ nghiên cứu xây dựng luật trong hai năm tới để quản lý từ khâu quy hoạch không gian ngầm tới khâu quy hoạch tổ chức thực hiện xây dựng công trình ngầm.

Thời gian qua, khi khảo sát thực tế phát triển công trình ngầm tại các đô thị, nhiều địa phương đã kiến nghị bộ sớm đề xuất Chính phủ xây dựng một luật riêng về quản lý phát triển không gian ngầm tại đô thị.

Tương lai TP.HCM nở rộ công trình ngầm

DU AN HA TANG

Một dự án đang xây tầng hầm bên cạnh ga metro Ba Son ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Tại TP.HCM từ 10 năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng không gian ngầm ngày càng cao. Gần như tất cả các công trình trong trung tâm TP đều có nhu cầu khai thác không gian ngầm làm trung tâm thương mại, khu ăn uống hay làm chỗ đậu xe.

Nhiều cao ốc ở khu trung tâm TP có đến 5-6 tầng hầm, tuy nhiên chỉ là những hầm riêng lẻ, chưa kết nối với nhau.

Không gian ngầm lớn nhất hiện nay của khu trung tâm TP là nhà ga metro trung tâm và các ga ngầm trên tuyến metro số 1 đã cơ bản hoàn thành với quy mô đến "choáng ngợp".

Theo quy hoạch hiện nay, không gian ngầm của TP.HCM dự kiến được phát triển thêm ở một số khu vực như bến Bạch Đằng, đường Tôn Đức Thắng, đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi.

Khu vực bến Bạch Đằng có nhiều không gian ngầm với mục đích sử dụng đa dạng như trung tâm thương mại, bãi đậu xe đến đường giao thông ngầm. Đường Tôn Đức Thắng và khu vực quanh Công trường Mê Linh sẽ được ngầm hóa để phục vụ giao thông. Dưới đường Nguyễn Huệ cũng có ít nhất hai tầng hầm.

Ngoài ra, ở trung tâm TP.HCM còn có không gian ngầm dưới đường Lê Lợi. Hiện nay, ngoài đường metro 1 chạy dọc theo tuyến đường Lê Lợi hiện đã hoàn thành thì một doanh nghiệp đã nghiên cứu dự án trung tâm đô thị ngầm dọc con đường lớn này.

Theo quy hoạch, không gian ngầm của khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng được bố trí một số vị trí gần quảng trường trung tâm, chủ yếu để phục vụ thương mại và làm bãi đậu xe.

Theo thông tin ban đầu, có một số công trình kế cận cũng có kế hoạch kết nối với không gian ngầm của hệ thống metro số 1 như tòa nhà ở tứ giác Bến Thành, dự án trên khu đất thương xá Tax cũ, các tòa nhà gần ga Nhà hát TP, ga Ba Son…

Trong tương lai, TP sẽ có thêm nhiều không gian ngầm theo bảy tuyến metro bắt đầu từ nhà ga trung tâm Bến Thành. Ngoài ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đang nghiên cứu xây dựng các khu ngầm khác nhau như bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám, khu vực sân khấu Trống Đồng ở công viên Tao Đàn, sân vận động Hoa Lư…

Tuy vậy, theo nhận xét của các chuyên gia, quy hoạch không gian ngầm trên còn quá ít so với quy mô dân số và nhu cầu về không gian phát triển của TP.

Đề xuất nhiều công trình ngầm khác

KTS Ngô Viết Nam Sơn kiến nghị TP nên nghiên cứu làm không gian ngầm ở khu công viên 23-9 vì nơi đây dễ dàng kết nối với không gian ngầm của ga metro trung tâm Bến Thành.

Khu sân vận động Phan Đình Phùng đang xây dựng lại, nên có không gian ngầm để làm bãi xe và thương mại dịch vụ sau đó kết nối với không gian ngầm ở khu vực hồ Con Rùa.

Bên cạnh đó, khu vực quanh công viên Tao Đàn - bên dưới Nhà văn hóa Lao động hoặc sân khấu Trống Đồng - cũng là những điểm thuận lợi để phát triển không gian ngầm.

KTS Nam Sơn cũng đề xuất TP nên nghiên cứu không gian ngầm kết nối giữa trung tâm TP hiện hữu và trung tâm mới Thủ Thiêm, có thể bằng một tuy nen ngầm qua sông Sài Gòn.

D.NGỌC HÀ

Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá Xuống lòng đất Sài Gòn, khám phá 'trái tim' công trình metro ngầm

TTO - Theo chân kỹ sư tư vấn giám sát liên danh NJPT (Nhật Bản và Việt Nam), phóng viên Tuổi Trẻ Online đã đi vào lòng đất, khám phá công trình thi công metro từ ga trung tâm Bến Thành (phía trước chợ Bến Thành) đến ga Nhà hát Thành phố.

Nguồn bài viết