Các đại biểu dâng hoa lên tượng đài Nguyễn Tất Thành tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM - Ảnh: K.ANH
Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM, nơi Bác Hồ đặt chân xuống tàu cho hành trình ra đi tìm đường cứu nước cách đây 111 năm (5-6-1911), các đại biểu trẻ có phút lắng lòng để chiêm nghiệm về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây cũng là dịp để các bạn tìm hiểu các công trình, dự án xây dựng góp phần hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn TP.
Truyền thông tăng tính tương tác
Trăn trở làm sao truyền thông để giới trẻ tiếp cận thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, anh Huỳnh Hữu Nghị (quận Bình Thạnh) nói muốn xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thì trước tiên chúng ta nên xây dựng không gian văn hóa gắn với đặc trưng của ngành, đơn vị và cần có nét riêng, đặc thù của đơn vị.
"Tôi thấy văn phong các trang web chính thống quá mô phạm... và cần dùng ngôn phong gần gũi để học sinh 15 - 16 tuổi dễ tiếp cận hơn. Làm sao để các em học và làm theo lời Bác bằng chính nhiệm vụ học tập, phấn đấu và rèn luyện phù hợp với lứa tuổi các em", anh Nghị bày tỏ.
Anh Trần Văn Sơn (Trường ĐH Luật TP.HCM) mong muốn lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng. Anh Sơn nói khi mở rộng, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM có thể ứng dụng công nghệ để có thêm khu tái hiện theo không gian 3D một số hình ảnh của Bác Hồ nhằm tăng tính tương tác cho người đến tham quan, tìm hiểu.
Tự hào được sinh ra từ quê Nghệ An, bạn Mỹ Uyên (Trường ĐH Sài Gòn) nói càng tự hào hơn khi được có mặt tại đúng nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước nhân dịp kỷ niệm 111 năm. "Người dân có thể chưa hiểu rõ Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nên chúng ta phải xây dựng không gian mở, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận" - Uyên đề xuất.
Người trẻ chủ động kiến tạo
Anh Tô Thành Tâm (Bệnh viện quận 4) cho biết đơn vị đã xây dựng tủ sách y khoa để đồng nghiệp chia sẻ sách hay cùng nhau đọc. "Đoàn thanh niên vận động các thầy thuốc trẻ tham gia học tập và làm theo lời Bác. Chúng ta cần thêm nhiều thông tin chính thông trên không gian mạng để giới trẻ dễ tiếp cận, lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" - anh Tâm nói.
Ông Lâm Hữu Đức (Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM) tâm đắc với ý kiến của các bạn trẻ và cho rằng cần tránh làm hình thức vì dễ bị lãng quên. Theo ông, nên thiết kế không gian gắn với đặc thù mỗi đơn vị, địa phương.
"Nói với các bạn tuổi teen phải dùng từ phù hợp, cách làm nhẹ nhàng. Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền về tác phẩm nghệ thuật gắn với cuộc đời sự nghiệp của Bác. Cần nghiên cứu để có những sản phẩm văn hóa phù hợp với giới trẻ" - ông Đức gợi ý.
Nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng các ý kiến đều thể hiện tâm huyết của các bạn trẻ khi bàn cách xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
"Chính các bạn là chủ thể nòng cốt, tích cực tham gia xây dựng, kiến tạo Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ngay tại đơn vị mình. Không gian ấy phải phát huy thành quả, xây dựng TP.HCM ngày càng tốt hơn để ai đến đây cũng cảm nhận được sự hiện hữu của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" - bà Thảo nói.
Theo dấu chân Người
Hành trình đồng thời diễn ra tại nhiều địa điểm khác. Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), các đại biểu tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Hoạt động của các nhóm đại biểu khác diễn ra tại di tích lịch sử Nhà số 05 Châu Văn Liêm (quận 5) và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (quận 7).
Không gian âm nhạc "Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn" và diễn đàn "Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, giảng dạy, học tập và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay" tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên TP. Còn tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM là diễn đàn "Tuổi trẻ TP.HCM tham gia xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng".
Nhiều hoạt động kỷ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
UBND TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm được cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2022).
Cụ thể từ ngày 17-5 đến ngày 10-6 là triển lãm kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước tổ chức ở đường Đồng Khởi.
Tối 5-6 tại Nhà hát TP.HCM sẽ diễn ra buổi truyền hình, phát thanh trực tiếp chương trình biểu diễn văn nghệ. Cùng với đó, các sở ban ngành sẽ đồng loạt tổ chức các chương trình như triển lãm tư liệu, hình ảnh Bác; phát động chương trình trồng cây nhớ ơn Bác...
THẢO LÊ