Lô đất 3-12, có diện tích 10.059,7m2, thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức trúng đấu giá 24.500 tỉ đồng mà Tân Hoàng Minh vừa có "tâm thư" xin bỏ cọc - Ảnh: T.T.D.
Trả lời câu hỏi về vấn đề nóng trong dư luận hiện nay là có ngân hàng cho doanh nghiệp vay để đặt cọc đấu giá các lô đất tại Thủ Thiêm hay không, ông Nguyễn Văn Du - quyền chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước - cho hay sau khi nơi này gửi văn bản yêu cầu, đến nay hầu hết các ngân hàng đã có báo cáo. Chỉ còn một vài ngân hàng xin báo cáo muộn.
Song song với báo cáo từ các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng rà soát trên hệ thống. "Qua rà soát đến nay không có tổ chức tín dụng nào cho vay để doanh nghiệp đặt cọc tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm", ông Du cung cấp thông tin.
Trước đó, sau buổi đấu giá đất Thủ Thiêm, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng đã có văn bản đề nghị lãnh đạo các ngân hàng báo cáo thực trạng cấp tín dụng gồm cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu… với các doanh nghiệp và cá nhân để tham gia đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm.
Sau chỉ đạo trên, Vietcombank đã có văn bản cho biết tính đến ngày 7-1-2022, ngân hàng này chưa phát sinh bất kỳ khoản cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu…) đối với các doanh nghiệp và cá nhân để tham gia đấu giá các lô đất ở khu đô thị Thủ Thiêm, TP.HCM.
Liên quan đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022, tại buổi họp báo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trong năm 2022, dòng vốn ngân hàng sẽ được định hướng ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực khó khăn do dịch như du lịch, vận tải, lưu trú.
Trong khi đó cho vay vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ, thậm chí chặt hơn năm 2021.
"Vừa qua có những vấn đề liên quan đến bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cũng theo dõi rất sát và sẽ có những hội nghị chuyên đề về vấn đề này nhằm mục đích vừa cảnh báo, vừa định hướng vừa tăng cường kiểm tra giám sát dòng tiền vào những lĩnh vực đó. Việc này cũng phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ trong việc tập trung dòng tiền vào những lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa dòng tiền không vào bất động sản nữa, mà Ngân hàng Nhà nước chỉ hạn chế dòng tiền vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro của những dự án lớn. Còn bất động sản phục vụ cho nhu cầu để ở của người dân, cho nhà ở xã hội thì ngân hàng vẫn cho vay", ông Tú giải thích.
Ông Tú cũng cho biết thêm Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát dòng tiền đổ vào trái phiếu của những doanh nghiệp phát hành không đảm bảo điều kiện.