Nhà hàng tại Bắc Kinh chiếu hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: REUTERS
Trưa 16-11, phóng viên Tuổi Trẻ tham dự cuộc họp báo trực tuyến do Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ tổ chức ngay sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden. Cuộc họp báo hé lộ thêm một số nội dung trao đổi trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết cuộc gặp kéo dài 3 tiếng rưỡi, lâu hơn dự kiến ban đầu. Hai nhà lãnh đạo đã nói về một loạt vấn đề từ Đài Loan, thương mại, đến Triều Tiên, Afghanistan và Iran.
Tuy nhiên, quan chức Mỹ thừa nhận "không có đột phá nào" và "không có gì (mới) để thông báo" sau cuộc gặp. Đây cũng là điều đã được giới phân tích dự báo từ trước.
Tân Hoa xã của Trung Quốc thì cho biết ông Tập và ông Biden đã "trao đổi đầy đủ, chuyên sâu về các vấn đề chiến lược, tổng thể và cơ bản liên quan đến sự phát triển của quan hệ Trung - Mỹ, cũng như các vấn đề quan trọng cùng quan tâm".
Thông cáo của Mỹ và Trung Quốc sau cuộc họp giống như một bản danh sách thể hiện các điểm bất đồng giữa hai bên, trong đó vấn đề Đài Loan nổi lên hàng đầu.
Về vấn đề này, Tổng thống Biden khẳng định với ông Tập rằng Mỹ không thay đổi các cam kết đã đưa ra với Trung Quốc, bao gồm cả nguyên tắc "Một Trung Quốc".
Tuy nhiên ông Biden cũng nhấn mạnh Washington phản đối "các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, phá hoại hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan".
Trong họp báo trưa 16-11, một nữ quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết việc thiết lập các "lan can" nhằm ngăn chặn quan hệ lao xuống vực vì vấn đề Đài Loan không phải là một phần của cuộc thảo luận.
Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đồng tình về việc phải có những cơ chế quản lý sự khác biệt và căng thẳng, giữ các kênh liên lạc luôn mở để tránh các tính toán sai lầm dẫn tới xung đột.
Truyền thông Trung Quốc, cụ thể là Đài CGTN tiếng Anh, thì loan tin Tổng thống Biden cam kết với Chủ tịch Tập rằng Mỹ sẽ không ủng hộ lực lượng đòi độc lập ở Đài Loan.
Trong bản tóm tắt chính thức của Tân Hoa xã, ông Tập cảnh báo ủng hộ độc lập Đài Loan là "trò chơi với lửa và sẽ có ngày người chơi trò này tự thiêu chính mình".
Cũng như thông cáo của Nhà Trắng, bản tóm tắt của Tân Hoa xã chỉ tập trung vào những phát ngôn của lãnh đạo quốc gia họ. Ngoài cảnh báo về vấn đề Đài Loan, ông Tập cũng kêu gọi Mỹ - Trung hợp tác với tư cách là hai cường quốc của thế giới.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đề xuất 3 nguyên tắc để hai nước cùng hòa hợp trong thời kỳ mới là tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi.
"Trái đất đủ lớn để chứa cả Trung Quốc và Mỹ vì sự phát triển chung và riêng của hai nước. Chúng ta phải kiên định vì lợi ích chung, không đuổi theo các trò chơi có tổng bằng 0 và không lôi kéo, kết bè phái cho việc thắng thua", ông Tập nêu quan điểm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫy tay chào Tổng thống Biden từ phòng họp rộng lớn tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh - Ảnh: WEIBO
Quan hệ Mỹ - Trung vẫn còn ở hố sâu
"Có vẻ như cả ông Tập và ông Biden đã trao đổi quan điểm về mọi thứ, nhưng không công bố quyết định hoặc bước đi chính sách nào", chuyên gia Scott Kennedy của Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế của Mỹ nhận định với Hãng tin Reuters.
Theo ông Kennedy, có thể điều đó sẽ được tiết lộ trong những ngày tới, nhưng nếu không, hệ quả cuối cùng chỉ là sự tự suy diễn về lập trường cơ bản của cả hai bên.
"Trung Quốc và Mỹ đồng ý rằng mối quan hệ này cần phải có một số lan can và sự ổn định, nhưng họ chưa đồng ý về cách làm thế nào để tới được đó", ông Kennedy nhận định.
Ông Daniel Russel, người từng phụ trách các vấn đề tại châu Á - Thái Bình Dương dưới thời tổng thống Barack Obama, cho rằng không nên thất vọng vì cuộc gặp đầu tiên không có kết quả thực chất.
"Chúng ta nên nghĩ đây là một phần trong chuỗi các cuộc hội đàm quan trọng có thể hướng mối quan hệ đi theo hướng ổn định hơn trong khi hai bên tiếp tục cạnh tranh gay gắt. Đây mới chỉ là bước khởi đầu của quá trình thoát khỏi vực sâu và đòi hỏi sự tham gia thường xuyên hơn của hai nhà lãnh đạo", ông Russel nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, các nhà phân tích của Trung Quốc tin rằng cuộc gặp lần này dù không đưa quan hệ đi lên nhưng cũng ít nhất ngăn nó không trượt xuống và giữ ổn định trong một thời gian nhất định.
"Tôi nghĩ cả hai bên sẽ chú ý đến việc tăng cường hợp tác và quản lý hiệu quả hơn những khác biệt, giảm thiểu tác động tiêu cực từ những bất hòa đối với quan hệ song phương", chuyên gia Wu Xinbo thuộc Đại học Phục Đán (Trung Quốc) nêu quan điểm.