Tổng thống Biden đã ra lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga - Ảnh: CNBC
Trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8-3 đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Các chuyên gia nhận định một lệnh cấm về xuất khẩu năng lượng sẽ là cách thức hiệu quả nhất, và có lẽ cũng là duy nhất, để buộc Matxcơva phải thay đổi thái độ.
Rõ ràng một lệnh cấm toàn diện sẽ có tính hiệu quả nhất nếu bao gồm các đồng minh châu Âu. Tuy nhiên, hiện vẫn khó có thể nói liệu toàn bộ các nước châu Âu sẽ tham gia lệnh cấm này, cho dù Anh trong cùng ngày cũng công bố kế hoạch sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm.
Khác với Mỹ, châu Âu hiện phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Trong khi Mỹ có thể thay thế một lượng nhỏ nguồn cung nhập khẩu từ Matxcơva, châu Âu khó có thể làm điều này, ít nhất là trong ngắn hạn.
Liệu một lệnh cấm của Mỹ có ảnh hưởng tới Nga?
Tác động từ lệnh cấm được cho sẽ ở mức tối thiểu, theo báo South China Morning Post (SCMP). Mỹ hiện nhập khẩu một lượng khá nhỏ dầu từ Nga, và thậm chí còn không nhập khí đốt.
Năm ngoái, gần 8% lượng nhập khẩu xăng dầu của Mỹ là từ Nga, tương đương với 245 triệu thùng trong năm 2021, tức khoảng 672.000 thùng dầu và xăng một ngày. Nhưng lượng nhập khẩu dầu từ Nga đã giảm mạnh khi Mỹ đang giảm nhập khẩu xăng.
Với lượng xuất khẩu khiêm tốn sang Mỹ, Nga có thể tìm kiếm các đối tác thay thế, ví như Trung Quốc hay Ấn Độ. Tuy nhiên, nước này có thể sẽ phải hạ giá mạnh, khi ngày càng có ít đối tác sẵn sàng mua sản phẩm của Nga.
Nếu viễn cảnh Nga bị cắt đứt khỏi thị trường năng lượng thế giới trở thành hiện thực, các nước vốn nằm trong lệnh trừng phạt của Mỹ trước đó như Iran và Venezuela có thể sẽ được "hoan nghênh trở lại", ông Claudio Galimberti, phó chủ tịch Công ty Rystad Energy, nói. Những nguồn cung bổ sung này có thể làm ổn định giá dầu.
"Bằng việc cắt giảm nhu cầu, chúng tôi đang buộc giá dầu Nga giảm xuống", Kevin Book, giám đốc điều hành tại Clearview Energy Partners, cho biết.
Lệnh cấm sẽ ảnh hưởng thế nào đến giá dầu?
Thông tin về lệnh cấm của Mỹ đã khiến giá dầu tăng lên mức cao kỷ lục. Một tháng trước, giá dầu đang ở mức 90 USD/thùng. Hiện mức giá đã tăng lên 130 USD/thùng khi các đối tác dần từ bỏ dầu thô Nga. Các nhà máy lọc dầu lo rằng họ sẽ bị "mắc kẹt" với nguồn dầu từ Nga khi không thể bán ra thị trường.
Hãng Shell ngày thứ ba cho biết sẽ dừng mua dầu và khí đốt từ Nga, cũng như dừng hoạt động các trạm dịch vụ, cung cấp nhiên liệu máy bay và một số dịch vụ khác, sau khi ngoại trưởng Ukraine lên tiếng chỉ trích các tập đoàn năng lượng lớn tiếp tục mua sản phẩm dầu của Nga.
Các nhà phân tích năng lượng cảnh báo giá dầu có thể tăng lên 200 USD/thùng nếu xu hướng giảm phụ thuộc vào dầu thô của Nga tiếp diễn.
Nguồn nhập khẩu từ Nga có giảm?
Ngành dầu khí của Mỹ cho biết mục tiêu là giảm phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, đồng thời cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với giới chức chính phủ. Cho dù không có lệnh trừng phạt, một số công ty lọc dầu Mỹ đã hủy bỏ hợp đồng với đối tác Nga.
"Ngành công nghiệp dầu của Mỹ đã thực hiện những bước đi mạnh mẽ nhằm giảm hợp tác với Matxcơva", Frank Macchiarola, phó chủ tịch Viện Xăng dầu Mỹ, nói.
Châu Âu có đi theo?
Một lệnh cấm dầu và khí đốt từ Nga sẽ là gánh nặng lớn cho châu Âu. Nga hiện cung cấp tới 40% nguồn cung khí đốt và 1/4 dầu cho lục địa già. Các quan chức châu Âu cho biết họ đang tìm cách giảm tỉ lệ này, nhưng sẽ mất thời gian.
Bộ trưởng Kinh doanh Vương quốc Anh Kwasi Kwarteng cho biết nước này sẽ giảm dần nhập khẩu dầu từ Nga cho đến cuối năm, nhằm "cho thị trường thời gian để tìm giải pháp thay thế".
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 8-3 đã bảo vệ quyết định không trừng phạt các hoạt động năng lượng liên quan đến Nga.
"Các lệnh trừng phạt được lựa chọn nhằm gây tác động đến nền kinh tế Nga, nhưng cũng nhằm hạn chế tác động đến nền kinh tế của chúng ta trong thời gian dài. Những hành động thiếu cân nhắc sẽ dẫn đến điều ngược lại", ông Habeck nói. "Trong 20 năm qua, chúng ta đã ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga, và điều đó đã có tác động nhất định".
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak thì cho rằng Nga có "quyền" dừng cung khí đốt cho châu Âu thông qua tuyến đường ống Nord Stream 1 nhằm trả đũa Mỹ.
Ông nói thêm rằng, "chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định", và "không ai hưởng lợi từ điều này". Đây là sự thay đổi từ quan điểm trước đó của Nga là không có ý định cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Các sản phẩm dầu thì dễ thay thế hơn khí đốt. Một số quốc gia đã tăng sản xuất dầu và cung cấp cho châu Âu. Nhưng với số lượng lớn phải thay thế, điều này sẽ khiến giá mặt hàng này tăng cao, một phần do chi phí vận chuyển cao.
Việc thay thế nguồn khí đốt với châu Âu là không khả thi trong ngắn hạn, khi hầu hết lượng khí đốt cung cấp từ Nga cho châu Âu chạy qua các tuyến đường ống. Để thay nguồn cung này, châu Âu sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng tự nhiên (LNG). Nhưng hiện châu lục này chưa có đủ tuyến đường ống để phân bổ khí đốt từ các cơ sở nhập khẩu duyên hải tới các vùng sâu trong đất liền.
Vào đầu năm nay, 2/3 lượng nhập khẩu khí hóa lỏng được chuyển tới châu Âu. Một số tàu đang trên hành trình tới châu Á nhưng đã chuyển hướng tới châu Âu, bởi bên mua tại đây đưa ra giá cao hơn, theo S&P Global Platts.
Trong khi các nhà sản xuất dầu và khí đốt Mỹ có thể tăng sản lượng, các hệ thống xuất khẩu đã vận hành ở mức tối đa. Và việc mở rộng các cơ sở này sẽ tốn hằng năm và hàng tỉ USD.