Không chờ chính phủ, bệnh viện tư Thái Lan tự đàm phán mua hàng triệu liều vắc xin

3 năm trước 1069
Không chờ chính phủ, bệnh viện tư Thái Lan tự đàm phán mua hàng triệu liều vắc xin - Ảnh 1.

Vắc xin Sinovac của Trung Quốc được nhiều nước lựa chọn vì dễ bảo quản và vận chuyển - Ảnh: REUTERS

Trao đổi với Hãng tin Reuters, ông Boon Vanasin, chủ tịch Tập đoàn y tế Thonburi, cho biết đã đàm phán mua 1 triệu liều vắc xin từ đối tác Trung Quốc. Một nửa số vắc xin trên sẽ được phân phối cho khoảng 40 bệnh viện trong hệ thống và tiêm cho các nhân viên.

Theo ông Vanasin, nếu chờ Chính phủ Thái Lan thì không biết đến bao giờ và bao lâu thì các nhân viên của ông mới được tiêm vắc xin. Cũng theo vị này, nếu mọi thứ tiến triển tốt, Thonburi sẽ mua thêm 9 triệu liều nữa từ Sinovac (Trung Quốc) để tiêm dịch vụ.

Một hệ thống bệnh viện khác là Vibhavadi xác nhận đã đặt mua 10.000 liều vắc xin từ hãng Moderna. Hiện Thái Lan vẫn chưa cấp phép chính thức cho bất kỳ loại vắc xin nào để tiêm đại trà, kể cả Sinovac và Moderna.

Nếu vắc xin Sinovac được cấp phép, ông Vanasin cho biết sẽ tiêm dịch vụ với giá 3.200 baht/2 liều. Mức giá này theo ông Vanasin là "không có lời" nhưng vì là vấn đề nhân đạo nên hệ thống bệnh viện của ông chấp nhận làm.

Chính phủ Thái Lan đã đặt hàng khoảng 63 triệu liều vắc xin từ nước ngoài nhưng chưa nhận được liều nào trong số này. Dự kiến lô vắc xin đầu tiên gồm 200.000 liều sẽ tới Thái Lan vào tháng tới và ưu tiên cho các nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu chống dịch.

Thái Lan đang trải qua đợt dịch thứ hai được cho là bùng phát từ một khu chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon. Chỉ tính riêng trong ngày 18-1, Thái Lan đã ghi nhận 369 ca mắc mới, theo báo Bangkok Post. Trong số này có 357 ca lây nhiễm trong cộng đồng, phần lớn ghi nhận tại tỉnh Samut Sakhon.

60 nước đã triển khai tiêm phòng

Theo thống kê của Hãng tin AFP, đã có 60 quốc gia triển khai chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân và các nhóm ưu tiên. Mặc dù con số 60 nước nghe có vẻ nhiều, tỉ lệ và số lượng người được tiêm vẫn còn khiêm tốn.

Nếu tính theo tỉ lệ dân số, Israel đang là nước dẫn đầu. Quốc gia này đã tiêm 2,43 triệu liều vắc xin cho 2,12 triệu người, chiếm gần 1/4 dân số. Khoảng 3,6% người Israel đã được tiêm liều thứ hai.

Tuy nhiên, tính về số liều vắc xin được tiêm, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu với 12,28 triệu liều. Kế đến là Trung Quốc với hơn khoảng 10 triệu liều, theo ước tính của AFP.

Ông Hun Sen xung phong tiêm vắc xin Trung Quốc đầu tiênÔng Hun Sen xung phong tiêm vắc xin Trung Quốc đầu tiên

TTO - 'Tôi phải ở tiền tuyến, đó là thói quen bình thường của tôi cả chục năm nay rồi', Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh khi tuyên bố ông sẽ là người đầu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 do Trung Quốc viện trợ.

Nguồn bài viết