Một ngày sau khi Giám đốc tài chính Huawei Technologies Mạnh Vẫn Châu trở lại Trung Quốc, nhà sản xuất thiết bị viễn thông đã tổ chức chuyến tham quan truyền thông để giới thiệu cách công nghệ của mình có thể phục vụ ngành chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, chuyến đi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Đông hôm 26.9 đã nhấn mạnh thách thức mà Huawei phải đối mặt, khi hãng này chuyển từ điện thoại thông minh sang các dịch vụ và ứng dụng công nghiệp vì bị cấm mua hoặc sản xuất chip tiên tiến sử dụng công nghệ của Mỹ.
Theo South China Morning Post, trong buổi tham quan, ban lãnh đạo và nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Đông đã cho thấy cách công nghệ của Huawei cho phép biến xe cứu thương thành “bệnh viện tạm thời”, với các máy chụp cắt lớp vi tính thông minh (CT) và điện tâm đồ giúp khám và chẩn đoán ngay lập tức trên đường. Tất cả dữ liệu thu thập được cũng được truyền đến bệnh viện theo thời gian thực.
Loại kỹ thuật công nghệ cao, tiết kiệm thời gian như vậy đang được sử dụng ngày càng nhiều ở những nơi khác trên thế giới, tạo điều kiện cho các cuộc hội chẩn diễn ra trên đường đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Đối với trường hợp khẩn cấp về thời gian, chẳng hạn như đột quỵ, thì điều này có thể sẽ tăng khả năng cứu sống bệnh nhân.
Là nhà cung cấp thiết bị 5G lớn nhất thế giới, Huawei muốn ứng dụng AI và Internet vạn vật (IoT) ở Trung Quốc để tạo ra nhiều bệnh viện “thông minh hơn”, điều mà công ty coi là một cơ hội kinh doanh mới. “Tỷ lệ dân số già ở Trung Quốc và nỗ lực của chính phủ để giải quyết vấn đề này đang biến ngành chăm sóc sức khỏe trở thành thị trường rộng lớn. Việc số hóa ngành chăm sóc sức khỏe sẽ mang đến rất nhiều cơ hội cho các công ty công nghệ như chúng tôi”, Guo Zizhong, Giám đốc bộ phận kinh doanh bệnh viện thông minh của Huawei, nói.
Huawei cũng đang tìm cách để tồn tại trước lệnh trừng phạt của chính quyền Washington bằng cách nâng cấp công nghệ cho các ngành khác, bao gồm khai thác than và nuôi heo, đồng thời mở rộng nỗ lực trong dịch vụ điện toán đám mây. Không giống như điện thoại thông minh, các sản phẩm công nghệ khác thường không phụ thuộc quá nhiều vào chất bán dẫn tiên tiến và cũng yêu cầu ít chip hơn.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, doanh thu của Huawei đã giảm 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 320 tỉ nhân dân tệ (khoảng 49,5 tỉ USD). Doanh thu từ lĩnh vực kinh doanh tiêu dùng, chủ yếu là bán điện thoại thông minh, giảm gần một nửa từ 255,8 tỉ nhân dân tệ xuống còn 135,7 tỉ nhân dân tệ. Chủ tịch luân phiên của Huawei Eric Xu hôm 24.9 thừa nhận lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến công ty thiệt hại ít nhất 30 tỉ USD mỗi năm và rất khó để bù đắp với các mảng kinh doanh mới.
Một trong những thách thức để thúc đẩy doanh thu 5G là người tiêu dùng không thấy lý do thuyết phục để nâng cấp ngay bây giờ. Tuy nhiên, theo ông Paul Scanlan, Giám đốc công nghệ Carrier Business Group của Huawei, 5G vẫn có sức mạnh chuyển đổi các ngành công nghiệp và doanh nghiệp, và đó là nơi Huawei nhìn thấy cơ hội. “Mỗi quốc gia đều có bệnh viện, sản xuất, nông nghiệp và giáo dục, vì vậy bạn có thể triển khai 5G theo một cách rất khác, vào những thời điểm rất khác nhau”.
Ví dụ, khi hợp tác với Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Đông, Huawei sử dụng 5G để cung cấp năng lượng cho “bộ não thông minh” với dữ liệu thời gian thực về nguồn cung cấp y tế. Cảm biến và thiết bị công nghệ cao cũng được ứng dụng trên khắp các phòng khám để gửi cảnh báo đến đồng hồ thông minh của nhân viên y tế. Bệnh viện còn sử dụng robot kết nối mạng để khử trùng và cấp phát thuốc. Đội cứu hộ của bệnh viện được trang bị 5G để bác sĩ có thể đưa ra hướng dẫn từ xa cho nhân viên y tế tuyến đầu.
Chủ tịch bệnh viện Tian Junzhang cho biết đã cam kết chi từ 80 đến 100 triệu nhân dân tệ cho việc nâng cấp 5G, AI và dữ liệu lớn. Theo ông Tian, đây là “xu hướng tất yếu” đối với ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe.