Anh Lê Xuân Hưởng, chủ nhân xưởng bút chì màu, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng - Ảnh: HÀ THANH
Đọc được những dòng thông tin trên trang fanpage, Nguyễn Thị Phương Thảo (25 tuổi, ở Hà Nội) tìm đến "xưởng bút chì màu" để được tận mắt chứng kiến những sản phẩm khá độc đáo.
"Hồi nhỏ mình rất thích vẽ, mỗi lần sờ vào chiếc bút chì màu là như không dừng lại được. Lâu lắm rồi guồng quay công việc cứ cuốn mình đi, nên khi nhìn lại những chiếc bút chì màu lại thấy tuổi thơ như ùa về, được bé lại", Thảo bộc bạch.
Xưởng bút chì màu bày bán nhiều sản phẩm "home decor" làm từ bút chì màu. Những sản phẩm có giá dao động 200.000 - 1 triệu đồng, có sản phẩm kích thước lớn với thời gian chế tác lâu có thể lên đến hàng trăm triệu đồng - Ảnh: HÀ THANH
Chủ nhân của xưởng bút chì màu tại Hà Nội, anh Lê Xuân Hưởng (46 tuổi), đã gắn bó với công việc này suốt 4 năm qua.
"Khi còn bé tôi đã có chút năng khiếu về mỹ thuật nên mỗi khi đi công tác, bố tôi thường mua cho tôi bộ bút chì màu. Sau này được đi nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với nhiều đồ nội thất, tôi nghĩ tại sao mình không làm những sản phẩm decor từ bút chì màu. Thế là tôi bắt đầu mày mò chế tác từ những chiếc bút chì", anh Hưởng bộc bạch.
Từ 12 màu, 24 màu hay đến 36 màu, anh Hưởng bắt đầu biến đổi, phối màu thử nghiệm, sáng tạo ra nhiều sản phẩm có màu sắc vô cùng bắt mắt.
Chiếc lọ hoa được chế tạo từ bút chì màu - Ảnh: HÀ THANH
Sản phẩm thử nghiệm đầu tiên là chiếc lọ hoa, sau đó anh thử nghiệm với những chiếc bàn trà, rồi những chiếc bàn ăn lớn hơn. Đến nay xưởng bút chì màu đã cho ra đời hai dòng sản phẩm độc đáo gồm "đồ nội thất decor" và "home decor".
Bước vào xưởng bút chì màu, khách hàng bị cuốn hút bởi họa tiết lạ mắt trên chiếc bình tì bà, bình khổng tước, hũ táo hạnh phúc hay chân nến nữ hoàng, lựu quý tử…
"Ban đầu, sản phẩm của chúng tôi hướng đến thị trường nước ngoài với phong cách "khá Tây". Song song đó, tôi cũng làm rất nhiều sản phẩm với phong cách Việt hoặc khơi nguồn cảm hứng từ những họa tiết của người Việt như hoa sen, hoa cúc", anh Hưởng chia sẻ.
Anh cho biết quá trình sản xuất sản phẩm từ bút chì màu phải trải qua nhiều công đoạn, từ cắt gọt bút chì thành từng mẩu, tiếp đó tạo khuôn và thiết kế hình theo mong muốn. Những người thợ phải khéo léo, tỉ mẩn xếp bút chì theo khuôn hình đã được thiết kế. Sau đó, tiến hành đổ keo để tạo thành khuôn đặc.
Đến công đoạn này, những cây bút chì được đúc thành khối, sau đó người thợ tiếp tục tạo tác mài nhẵn, tiện và phủ sơn bóng để tăng tính thẩm mỹ, tăng tuổi thọ cho sản phẩm. Để làm ra một sản phẩm mất khoảng 7 - 10 ngày, thậm chí mất nhiều thời gian hơn cho những sản phẩm có kích thước lớn.
Những chiếc bình tì bà duyên dáng được làm từ những chiếc bút chì - Ảnh: HÀ THANH
"Sản phẩm được làm ra phải thử nghiệm khá nhiều. Người thân, bạn bè hay gọi tôi là "chuyên gia phá bút chì". Nhưng chính việc thử nghiệm đó cho phép chúng tôi tạo ra được những sản phẩm nghệ thuật độc đáo đáp ứng đòi hỏi của thị trường", anh Hưởng cho biết.
Mong muốn của anh là tạo ra một nhà máy xuất khẩu các sản phẩm nội thất decor để đưa những sản phẩm của người Việt ra thị trường thế giới.
"Khi được sống trong thế giới bút chì màu, tôi có thể được ngụp lặn, sáng tác, làm những điều mình muốn trong thế giới đó", anh Hưởng nói - Ảnh: HÀ THANH
Từ những sản phẩm thử nghiệm đầu tiên, anh Hưởng đã mày mò thử nghiệm rất nhiều lần mới cho ra được những sản phẩm tỉ mỉ, công phu như hiện nay - Ảnh: HÀ THANH
Tùy theo kích thước sản phẩm, anh Hưởng sử dụng từ vài trăm đến 500 chiếc bút chì màu để chế tác ra sản phẩm. Nhưng với những sản phẩm có kích thước lớn, có lúc phải sử dụng đến 18.000 chiếc bút chì màu rồi phối trộn chúng với nhau tạo ra nhiều màu sắc, họa tiết bắt mắt - Ảnh: HÀ THANH
Hiện anh hướng đến dòng sản phẩm bàn trà, bàn ăn, đôn từ bút chì - Ảnh: HÀ THANH
Những chiếc đồng hồ treo tường lấy cảm hứng, họa tiết từ bút chì màu - Ảnh: HÀ THANH
Bạn trẻ thích thú ngắm nhìn những sản phẩm độc đáo từ chiếc bút chì màu - Ảnh: HÀ THANH