Khách Mỹ phá sản, doanh nghiệp dệt may Việt lo mất trăm tỉ nợ

2 năm trước 261
Khách Mỹ phá sản, doanh nghiệp dệt may Việt lo mất trăm tỉ nợ - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại May Sông Hồng - Ảnh: MSH

Vốn là khách "sộp" của Công ty cổ phần (CTCP) May Sông Hồng của Việt Nam (mã chứng khoán MSH), nhưng đầu năm 2020 Hãng bán lẻ thời trang RTW Retalwinds của Mỹ lại nộp đơn phá sản. 

RTW Retalwinds có tuổi đời hơn 100 năm, nắm trong tay hàng loạt thương hiệu thời trang như New York & Company, Fashion to Figure, Kate Hudson...

Theo báo cáo tài chính quý 1-2021, May Sông Hồng đang gánh gần 654 tỉ đồng tiền phải thu của khách hàng ngắn hạn, tăng 19,5% so với hồi đầu năm.

Doanh nghiệp phải trích lập dự phòng khoản thu ngắn hạn khó đòi hơn 256 tỉ đồng, trong đó có hơn 218,2 tỉ đồng từ Hãng thời trang New York & Company, gần 27,8 tỉ đồng từ Tập đoàn Prime Apprael và hơn 10 tỉ đồng từ các khách hàng khác.

Thời điểm đối tác của Mỹ tuyên bố phá sản, lãnh đạo của May Sông Hồng từng cho biết đang nỗ lực để thu hồi nợ.

Nhưng nhìn vào khoản trích lập dự phòng quý 1-2021 tăng 41% so với hồi đầu năm, trong khi đó phần có khả năng thu hồi lại giảm mạnh 50% - còn xấp xỉ 32 tỉ đồng, có thể thấy May Sông Hồng đã lường trước nguy cơ không lấy lại được tiền từ khách hàng Mỹ.

Khách Mỹ phá sản, doanh nghiệp dệt may Việt lo mất trăm tỉ nợ - Ảnh 2.

May Sông Hồng phải trích lập dự phòng khoản nợ khó đòi hơn 256,2 tỉ đồng - Nguồn: Báo cáo tài chính quý 1-2021

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1-2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 945 tỉ đồng, nhích nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn hàng bán giảm 6% xuống còn hơn 729 tỉ đồng, nên lãi gộp tăng 34% lên gần 216 tỉ đồng.

Tổng kết quý đầu năm 2021, doanh nghiệp lãi trước thuế gần 116 tỉ đồng, lãi ròng sau thuế hơn 92 tỉ đồng, lần lượt tăng 47% và 44% so với cùng kỳ năm trước.

Năm nay, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu thuần đạt 4.200 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 340 tỉ đồng. Vậy công ty đã hoàn thành 22,5% kế hoạch doanh thu và 34% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021.

Trường hợp tương tự, CTCP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) cũng đang nan giải với khoản nợ khó đòi từ Roebuck & Co và Công ty Kmart Corporation. Đây là hai công ty con của Sears - từng là tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước Mỹ. Tuy nhiên, gần cuối năm 2018 "gã khổng lồ" này đã "ngã ngựa", phá sản, khiến hàng loạt nhà cung cấp điêu đứng và dệt may Thành Công cũng không ngoại lệ.

Tại báo cáo tài chính quý đầu năm 2021, Dệt may Thành Công đang có khoản phải thu ngắn hạn hơn 405 tỉ đồng, tăng gần 43% so với hồi đầu năm. Chỉ riêng khoản nợ của Sears đã lên gần 100,5 tỉ đồng, chiếm 25% trong tổng cơ cấu nợ phải đòi ngắn hạn.

Khách Mỹ phá sản, doanh nghiệp dệt may Việt lo mất trăm tỉ nợ - Ảnh 3.

Dệt may Thành Công đang có khoản thu ngắn hạn hơn 405 tỉ đồng - Nguồn: Báo cáo tài chính quý 1-2021

Quý 1-2021, Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu gần 946 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 62,3 tỉ đồng, lần lượt tăng 19,7% và 83,8% so với cùng kỳ năm trước. Điểm sáng là biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 14,4% lên 16,3%.

Năm nay doanh nghiệp đặt kế hoạch đạt doanh thu 4.218 tỉ đồng, lãi ròng sau thuế 290 tỉ đồng. Kết thúc 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp gặt hái được gần 63 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 85% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành gần 22% kế hoạch cả năm nay.

Hàng may mặc phòng chống dịch nâng đỡ doanh nghiệp dệt may

Tại báo cáo về triển vọng ngành dệt may trong năm 2021, Chứng khoán SSI dẫn thông tin Văn phòng Dệt may Hoa Kỳ (OTEXA) cho biết Việt Nam tiếp tục giành thêm thị phần tại Mỹ, tăng từ 13% trong năm 2019 lên 14,9% tính đến cuối tháng 10-2020, trong khi Trung Quốc mất thị phần trong cùng khoảng thời gian đó.

Thị phần tăng thêm, nhưng không thể bù đắp được tác động của nhu cầu giảm, khiến giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Mỹ vẫn giảm -6% so với cùng kỳ. Các thương hiệu bán lẻ thời trang phá sản trong đợt dịch cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty sản xuất hàng may mặc của Việt Nam.

Dù vậy, nhu cầu cấp bách tạm thời đối với mặt hàng may mặc phòng chống dịch COVID-19 (khẩu trang vải kháng khuẩn và quần áo bảo hộ) đã hỗ trợ một số công ty sản xuất hàng may mặc.

Hiệp hội dệt may của 9 nước kiến nghị các nhãn hàng lớn hành xử công bằngHiệp hội dệt may của 9 nước kiến nghị các nhãn hàng lớn hành xử công bằng

Hiệp hội dệt may của 9 quốc gia đang có những bước đi quyết liệt nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng trong quan hệ với nhiều nhãn hàng và nhà bán lẻ thời trang châu Âu và Mỹ.

Nguồn bài viết