Khu công nghệ cao Hòa Lạc - Bài cuối: Phát triển theo mô hình mở, bước vào giai đoạn bứt phá

2 năm trước 429

Giai đoạn bứt phá

Chú thích ảnhKhu Trung tâm Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: gov.vn

Tại buổi tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết: Mặc dù còn chưa phát triển được như kỳ vọng nhưng trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cơ bản thiết lập được các thành tố quan trọng, có tính chất nền móng đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đến nay, sự có mặt của Đại học FPT, Đại học Việt - Pháp, Đại học Văn Lang đang triển khai xây dựng... sẽ hứa hẹn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho xã hội nói chung và trực tiếp cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng; các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu ứng dụng gắn trực tiếp với sự phát triển sản xuất của doanh nghiệp như Viện V-KIST, Trung tâm vũ trụ, Viện đo lường, các trung tâm kiểm thử... sẽ là nền tảng cho việc phát triển năng lực nội sinh nghiên cứu và phát triển, gắn kết nghiên cứu phát triển với sản xuất để bứt phá trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài như Hanwha, Nidec, Nissan Techno... cùng các doanh nghiệp lớn trong nước Viettel, FPT, VNPT, Vinsmart... lựa chọn Khu công nghệ cao Hòa Lạc là địa bàn đầu tư trọng điểm sẽ là cơ sở để hình thành các ngành công nghiệp, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực từ Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đặc biệt, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) sẽ là những vườn ươm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho thấy tiềm năng và cơ hội phát triển. Có thể khẳng định, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang dần hiện thực hóa các mục tiêu đề ra và bắt đầu bước vào giai đoạn bứt phá trong đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ.

Năm 2022, Khu công nghệ cao Hòa Lạc chú trọng phát triển hệ sinh thái ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao theo hướng năng động, sáng tạo, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình, tiến tới quy mô dẫn đầu của cả nước vào năm 2030;  đồng thời tập trung thu hút các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và y tế... là những lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng, điều kiện phát triển cũng như cầu của thị trường lớn và cũng là những lĩnh vực hiện nay Khu công nghệ cao Hòa Lạc có thế mạnh với các hệ sinh thái đang dần hình thành.

Ông Trần Đắc Trung nhấn mạnh: Trong năm 2022, Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cùng với việc hoàn thành “Đề án phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là cơ sở, nền tảng để Khu công nghệ cao Hòa Lạc bứt phá. Ngoài ra, những đề xuất, kiến nghị của Khu công nghệ cao Hòa Lạc như cho phép áp dụng một số cơ chế chính sách thí điểm trong một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển ươm tạo, khởi nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ 4.0, công nghệ tự động hóa... thì Khu công nghệ cao Hòa Lạc hoàn toàn khẳng định được vai trò "cửa khẩu công nghệ cao" quan trọng của Việt Nam.

Phát triển theo mô hình mở

Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc nhấn mạnh: Phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo mô hình mở, là đầu mối quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, có hạ tầng hiện đại và thông minh, là nơi thúc đẩy phát triển chuỗi hoạt động tri thức và công nghệ giữa trường đại học, tổ chức nghiên cứu và triển khai, doanh nghiệp và thị trường. Đến năm 2030, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng và đi vào hoạt động hoàn chỉnh, vận hành theo mô hình mở, đô thị thông minh, góp phần xây dựng thành phố đổi mới sáng tạo Hòa Lạc - phần lõi của đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Để phát triển theo mô hình mở, Khu công nghệ cao Hòa Lạc kiến nghị cần hình thành và sản xuất các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, tập trung các cơ sở ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao, tạo chuỗi gắn kết giữa nghiên cứu và sản suất tiến tới tạo sự lan tỏa "dẫn dắt" một số lĩnh vực mũi nhọn, khẳng định vai trò đầu mối cung cấp công nghệ và là trung tâm chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, giúp nền kinh tế khu vực thích ứng hiệu quả với cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng toàn cầu hóa và các thách thức toàn cầu.

Năm 2022, Khu công nghệ cao Hòa Lạc chú trọng xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm trọng điểm công nghiệp tại Khu; xây dựng phòng thí nghiệm về công nghệ IoT phục vụ phát triển công nghiệp 4.0 trên nền tảng Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật... Ngoài ra hướng tới thu hút các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn tại khu vực phía Bắc trong các lĩnh vực công nghệ cao được đầu tư bằng ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo nhu cầu nghiên cứu phát triển của các ngành lĩnh vực, vừa tạo được tiềm lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Cũng trong năm 2022, thúc đẩy liên kết các nhóm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo lớn trên thế giới, các quỹ khởi nghiệp trên thế giới để thu hút doanh nghiệp khởi nghiệp về Khu công nghệ cao Hòa Lạc để thực hiện triển khai khởi nghiệp, xây dựng nhà máy, nghiên cứu công nghệ và thử nghiệm sản phẩm... trong đó, xác định một số đối tác chiến lược là các nước lớn, tập đoàn công nghệ lớn để đầu tư và thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ. Đặc biệt, chú trọng việc ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc trong từng thời kỳ để chủ động trong công tác thu hút đầu tư và phù hợp với thực tế phát triển trong thời gian tới.

Nguồn bài viết