Khu công nghệ cao Hòa Lạc - Bài 2: Đẩy mạnh hoạt động ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo

2 năm trước 408

Đẩy mạnh hoạt động ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo

Chú thích ảnhLễ ra mắt Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub), tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh (tư liệu): Anh Tuấn/TTXVN

Ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết: Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã đẩy mạnh hút đầu tư, xây dựng được hệ sinh thái ươm tạo, đổi mới sáng tạo tiêu biểu, tạo nền tảng để phát triển như: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) được xây dựng, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận các nguồn lực về khoa học và công nghệ, đào tạo, tài chính, tư vấn, không gian làm việc..; hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển mạng lưới sáng tạo Việt Nam góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo công nghệ cao thực hiện hoạt động hỗ trợ ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ hoạt động đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; Trung tâm nghiên cứu phát triển SSI, Công ty Cổ phần chứng khoán SSI được đầu tư dự kiến nghiên cứu, phát triển các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn...; thực hiện chuyển giao công nghệ đối với các sản phẩm của hoạt động nghiên cứu và phát triển, cung cấp các phần mềm, sản phẩm công nghệ thông tin, công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính - chứng khoán, chuyển đổi số doanh nghiệp..; thực hiện hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc (Bộ Công thương) cũng dự kiến thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo; nghiên cứu - triển khai, sản xuất thử nghiệm; chuyển giao, làm chủ, giải mã công nghệ; hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị dung chung, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ.

Cũng theo ông Trần Đắc Trung, các đơn vị hỗ trợ ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao cũng đã triển khai tư vấn, hỗ trợ đánh giá các nhóm ươm tạo trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, bằng phát minh, sáng chế và các công việc khác liên quan tới pháp luật; tư vấn công nghệ, tư vấn tài chính, kế toán, phân tích tài chính doanh nghiệp, tư vấn sử dụng nguồn nhân lực, tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp, hội thảo để hỗ trợ và phát triển hoạt động khởi nghiệp trong và ngoài Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Để thúc đẩy hoạt động ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã trao đổi, xúc tiến và ký Biên bản ghi nhớ đầu tư với các đối tác như: Tập đoàn Vingroup về Tổ hợp nghiên cứu và sản xuất sản phẩm công nghệ cao, tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD; Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) về đầu tư dự án sản xuất động cơ máy bay với giá trị đầu tư ước tính khoảng 600 triệu USD…)

Gỡ vướng để tiếp tục thu hút đầu tư

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch công tác năm 2022, ông Trần Đắc Trung, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết: Thực tế các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư mở rộng thị trường ở các quốc gia vào Việt Nam thường tập trung đầu tư sản xuất mà không quan tâm đầu tư nhiều đến hoạt động nghiên cứu phát triển nên đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ đa phần từ nguồn đầu tư trong nước. Tuy nhiên, trong thực tế, đầu tư về khoa học và công nghệ của cả khu vực nhà nước và tư nhân còn rất hạn chế, các doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đúng mức về ứng dụng và phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu dây chuyền công nghệ của các nước khác vẫn phổ biến hiện nay, các ngành công nghiệp sản xuất trong nước chưa phát triển, do vậy chưa tạo được thị trường để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, vì thế chưa hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư vào các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài lớn thường có nhu cầu quy mô diện tích đầu tư lớn và tiến độ bàn giao đất khá nhanh, trong khi quỹ đất liền khoảnh với diện tích lớn tại Khu CNC Hòa Lạc không có nhiều, nếu có thì bị vướng mặt bằng chưa được giải phóng và không thể xử lý nhanh được để đáp ứng ngay yêu cầu của Nhà đầu tư. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư thường đề nghị được xây dựng Dự án trên khu đất liền khoảnh thành tổ hợp khép kín bao gồm cả sản xuất, nghiên cứu và các dịch vụ nhà ở… hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng theo quy hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 27/5/2016, Khu công nghệ cao Hòa Lạc phân chia các khu vực theo các chức năng cụ thể nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư.

Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu và phát triển đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ rất cao, trong khi Khu công nghệ cao Hòa Lạc lại ở xa trung tâm thành phố, mặt khác lại chưa có chính sách khuyến khích và ưu đãi đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực lên làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đầu tư trực tiếp của Nhà nước để phát triển khoa học và công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc chưa đủ mạnh, hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao chưa đồng bộ và hiện đại để hỗ trợ cho các nhà đầu tư tham gia nghiên cứu phát triển công nghệ và sản phẩm, đồng thời chưa có công cụ hỗ trợ khác để phát triển các hoạt động về ươm tạo, đào tạo, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, khởi nghiệp... nhằm hình thành các công nghệ cao mới, sản phẩm công nghệ cao mới, doanh nghiệp công nghệ cao mới.

Đặc biệt, cơ chế chính sách cho phát triển các khu công nghệ cao chưa có nhiều vượt trội so với các khu công nghiệp thông thường, trong khi các dự án đầu tư tại khu công nghệ cao phải đáp ứng tiêu chí về công nghệ, sản phẩm; các chính sách và chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút các chuyên gia, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến làm việc cũng chưa có nên quá trình thúc đẩy hoạt động ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo vẫn còn diễn ra chậm và chưa được như kỳ vọng.

Bài cuối: Phát triển theo mô hình mở, bước vào giai đoạn bứt phá

Nguồn bài viết