Đào Thu Trang và Trần Quỳnh Anh (từ trái qua) chọn ra mắt thương hiệu túi vải đay ở Hà Nội mang tên "Là lá la" thân thiện với môi trường - Ảnh: HÀ THANH
Tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững, nói không với các chất liệu gây tổn hại đến môi trường, hai cô gái Đào Thu Trang (31 tuổi), Trần Quỳnh Anh (29 tuổi) chọn cho mình lối đi riêng, cho ra mắt thương hiệu túi vải đay ở Hà Nội mang tên "Là lá la" thân thiện môi trường.
Điểm độc đáo nhất ở những chiếc túi này chính là họa tiết thêu tay nổi trên bề mặt vải đay được thiết kế lấy cảm hứng từ màu sắc dân gian Việt Nam.
"Mình mong muốn nhiều người sẽ biết đến giá trị những chiếc túi vải đay không chỉ đẹp về hình ảnh mà thực sự cảm nhận được câu chuyện đằng sau. Những sản phẩm thủ công sẽ đem lại những giá trị mới, khác với sản phẩm công nghiệp hiện nay. Chúng vừa đẹp, vừa thân thiện môi trường, vừa tiện dụng cho khách hàng.
ĐÀO THU TRANG
Đi tìm vẻ đẹp riêng
Sinh ra ở mảnh đất Thái Bình vốn nổi tiếng trồng cây đay, suốt tuổi thơ của Quỳnh Anh gắn bó với loại cây này. Thế nhưng từ trước đến nay, cô chỉ biết đến công dụng của đay là làm bao tải đựng nông sản lúa thóc, cà phê.
Vốn đam mê thiết kế, hai cô nàng nhìn ra được vẻ đẹp riêng của chất liệu vải đay từ chính sự thô mộc như màu sắc tự nhiên, không qua quá trình tẩy hay nhuộm màu. Họ ấp ủ biến chúng thành sản phẩm vừa hợp thời trang, vừa thân thiện với môi trường.
Trang nhớ lại dịp Tết Canh Tý 2020, gia đình cô có treo một bức tranh Đông Hồ đám cưới chuột. Nhớ đến thú chơi tranh tết đậm chất văn hóa của người Hà Nội, cô nghĩ tại sao không mang bức tranh đó cho mọi người diện ra đường phố chơi tết?
Nghĩ là làm, cô nàng bắt tay vào thiết kế túi vải đay lấy cảm hứng từ tranh Đông Hồ, đem lại sức sống mới cho dòng tranh dân gian Đông Hồ Việt Nam. Ngày ra mắt chiếc túi đầu tiên, nhiều người bày tỏ thích thú, không chỉ các bạn trẻ mà sản phẩm này còn thu hút khách hàng lứa tuổi trung niên.
Những chiếc tủi vải đay, vải lanh được thiết kế dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, “nói không” với các chất liệu gây tổn hại đến môi trường - Ảnh: HÀ THANH
Làm thế nào để chất liệu vải tưởng chừng như đơn điệu lại chinh phục được khách hàng khó tính nhất? Quỳnh Anh cho biết rất khó để kết hợp với thêu tay truyền thống trên vải đay, do đó kỹ thuật thêu tay hiện đại được hai cô nàng áp dụng. Họ chọn chi tiết thêu mềm mại, có nhiều đường cong và thậm chí lựa chọn mũi thêu đường xích dài để tạo cảm giác mượt mà, chọn chỉ thêu màu sắc tươi sáng để tôn họa tiết lên bề mặt vải đay.
Quỳnh Anh thừa nhận sản phẩm túi xách của Là lá la khá kén khách, bởi không phải ai cũng thích chất liệu túi thô ráp, lại khó kết hợp với quần áo hơn so với những mặt hàng túi xách khác. Mới đầu chỉ có những cô nàng cá tính mạnh mẽ, ưa chuộng lối sống xanh tìm đến mua những chiếc túi vải đay.
"Thời trang sẽ thay đổi theo thời gian, hôm nay mình ưa chuộng sản phẩm này nhưng thời gian sau có thể không còn thích thú nữa. Khi bỏ đi sẽ hạn chế tác động lên môi trường nhất bởi chất liệu vải đay dễ phân hủy hơn", cô cho biết.
Mỗi chiếc túi là một câu chuyện
Tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc, Đào Thu Trang từng có thời gian dài theo đuổi ngành phát triển bền vững tại các nước Pháp, Ý, Bỉ, Brazil. Trang cho biết ở nhiều nước châu Âu phát triển mạnh "thị trường tiêu dùng xanh" với các chuỗi siêu thị, cửa hàng bày bán những sản phẩm thân thiện môi trường, thế nhưng ở Việt Nam chỉ mới chú trọng thị trường này trong những năm gần đây.
"Tuy nhiên đó là xu hướng và là điều tất yếu sẽ diễn ra. Dù gặp nhiều thử thách nhưng mình nghĩ cần có những người trẻ đi đầu xu hướng đó, cần có những người dấn thân", Trang bộc bạch.
Ban đầu bắt tay vào khởi nghiệp, hai cô nàng 9X gặp khá nhiều khó khăn do vải đay nặng hơn rất nhiều so với những chất liệu vải khác, bề mặt vải khá cứng nên dễ bị trầy xước tay. Suốt 1 năm theo đuổi, nay thì họ đã quen thuộc với việc đập vải, phủi bớt bụi vải đay hay làm thế nào để "mềm hóa" bề mặt thô ráp của vải.
Để hoàn thiện một chiếc túi vải đay, Trang cho biết phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau như làm vải, thử vải, lên dáng túi sao cho phù hợp với chất liệu, lên mẫu thêu và phối chỉ, phối màu. Sau khi chọn được mẫu dáng phù hợp mới tiến hành thiết kế, làm túi.
Với mỗi chiếc túi vải đay được tung ra thị trường, hai cô nàng gửi gắm những câu chuyện, thông điệp khác nhau. Đó có thể là câu chuyện về chú cá voi xanh đang có nguy cơ tuyệt chủng, hay câu chuyện về biển cả, những câu chuyện dân gian Việt Nam.
"Điểm đặc biệt nhất là chúng tôi lồng ghép câu chuyện về vùng nguyên liệu vải đay với các giá trị văn hóa Việt Nam, hoặc câu chuyện gắn với tuổi thơ của mỗi người lên mỗi chiếc túi. Cầm trên tay sản phẩm túi của Là lá la, bạn có thể bắt gặp họa tiết tranh Đông Hồ, Chí Phèo - Thị Nở, câu chuyện về củ ấu, họa tiết chuồn chuồn, đàn gà... vô cùng quen thuộc", cô chia sẻ.
Hiện giá mỗi chiếc túi vải đay dao động 200.000 - 300.000 đồng với những chiếc túi thêu, in họa tiết nhỏ, ngoài ra có những chiếc túi lên đến 1 - 2 triệu đồng. Bên cạnh túi vải đay, nhóm bạn trẻ tiếp tục cho ra mắt sản phẩm túi vải lanh lấy chất liệu từ vùng cao nguyên đá Hà Giang nhằm mang đến những sản phẩm độc đáo nhất đến tay người tiêu dùng.