Chợ đầu mối Hóc Môn đã tạm ngưng hoạt động nhiều tuần qua - Ảnh: N.TRÍ
Tại buổi khảo sát công tác phòng chống dịch và nghiên cứu phương án mở điểm tập kết, trung chuyển tại các chợ đầu mối trên địa bàn diễn ra ngày 24-7, bà Thắng cho biết hiện chợ đầu mối Thủ Đức đã thực hiện điểm trung chuyển; TP đã có văn bản chỉ đạo huyện Hóc Môn xem xét sớm thực hiện điểm tập kết, trung chuyển tại chợ đầu mối Hóc Môn; chợ Bình Điền đã xây dựng kế hoạch này.
Tuy vậy, hiện nay dịch COVID-19 địa bàn quận 8 còn phức tạp nên địa phương này xin lùi thời gian thực hiện điểm trung chuyển tại chợ Bình Điền.
"Quan điểm của TP là chống dịch bệnh là trên hết, hàng hóa không có chỗ này thì tìm chỗ khác. Tuy nhiên, các kế hoạch, công tác cho mở cửa chợ, mở điểm tập kết, trung chuyển vẫn sẵn sàng, dịch ổn sẽ áp dụng ngay", bà Thắng khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết qua khảo sát, 3 chợ đầu mối đều có địa điểm để đáp ứng nhu cầu mở điểm tập kết, vì vậy TP.HCM cần xem xét sớm mở điểm tập kết trong điều kiện an toàn dịch bệnh nhằm giảm tải áp lực cho hệ thống siêu thị, cửa hàng.
Đoàn khảo sát trao đổi, làm việc với đại diện chợ đầu mối Bình Điền - Ảnh: N.TRÍ
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết việc mở lại các chợ, điểm trung chuyển, tập kết tại 3 chợ đầu mối không chỉ có ý nghĩa tăng nguồn cung thực phẩm cho TP.HCM, mà còn hỗ trợ giải quyết nguồn nông sản đang ùn ứ tại nhiều tỉnh, thành phía Nam.
Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho biết cái khó hiện nay là mở ra điểm tập kết nhưng lượng hàng về chợ hiện khiêm tốn, với chỉ 5-6 tấn/đêm.
Trong khi đó, đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cho biết hiện đã xét nghiệm COVID-19 cho hàng trăm thương nhân, đã đáp ứng các tiêu chí nên chợ cần biết mốc thời gian cụ thể triển khai điểm tập kết để chủ động làm việc với thương nhân.
Ban quản lý các chợ đầu mối cũng kiến nghị được tổ chức xét nghiệm nhanh tại chỗ cho các tài xế và phụ xe để chủ động trong công tác vận chuyển, phân phối hàng hóa. Đại diện UBND TP.HCM cho biết sẽ giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP phối hợp để triển khai cùng với các chợ.
Chỉ sau thời gian ngắn đưa vào hoạt động lại, đến nay chợ Bình Thới lại tạm ngưng do có ca nhiễm COVID-19. Trong ảnh: Dựng tấm ngăn mua bán để đảm bảo an toàn tại chợ Bình Thới trước khi chợ tạm ngưng - Ảnh: N.TRÍ
Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến 16h30 ngày 24-7, TP có 32 chợ đang hoạt động và 205 chợ tạm ngưng trong tổng số 237 chợ (tính cả 3 chợ đầu mối).
Như vậy, so với ngày trước đó, TP có thêm chợ Bình Thới (Q.11) phải tạm ngưng hoạt động do chợ có ca nhiễm COVID-19; và một chợ được hoạt động lại là chợ Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) với quy mô 5 tiểu thương (3 tiểu thương bán rau, củ, quả; 2 tiểu thương bán hải sản tươi sống).
Thương lái không mặn mà với điểm tập kết
Theo đại diện Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, từ Đà Lạt về chợ, thương lái bỏ ra một buổi để xét nghiệm, lấy giấy phép chạy về chợ, bỏ hàng tại chợ xong chạy về lại địa phương - tức là một chuyến hàng họ mất 3 ngày, trung bình mỗi ngày họ mất 350.000 đồng, chưa kể thời gian bỏ ra.
"Nhiều khó khăn trong vận tải, phải đáp ứng yêu cầu khắt khe nên nhiều thương lái, thương nhân ngại tham gia điểm tập kết, trung chuyển, lượng hàng về vì thế khiêm tốn", theo vị này.
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ để dập dịch.