Khi biết cho đi là hạnh phúc

3 năm trước 253
Khi biết cho đi là hạnh phúc - Ảnh 1.

Cán bộ, sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM hỗ trợ việc nhập liệu trong đêm tại một điểm lấy mẫu xét nghiệm ở cộng đồng - Ảnh: Q.L.

Mỗi bạn đều xem đó là một tai nạn kém may mắn, có lo lắng một xíu nhưng không hoảng loạn, càng không làm tắt đi ngọn lửa tình nguyện. Không hẳn vì họ trẻ nên lạc quan, chỉ là các bạn biết mình đang làm gì và cần bước trên con đường nào giữa những ngày dịch bệnh.

"Làm việc hết mình, ngay cả khi nhận tin bị phơi nhiễm, các bạn vẫn giữ tinh thần lạc quan suốt quá trình điều trị và đều muốn trở lại khi hết bệnh là điều khiến chúng tôi luôn trân quý và cảm ơn những tấm lòng như thế.

Anh NGÔ MINH HẢI (phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM)

Chỉ là kém may mắn

Nhận kết quả xét nghiệm nhanh, rồi kết quả khẳng định dương tính, Trương Thành Sang (quận 10) kể mình đã chuẩn bị tâm lý rồi nên không quá bất ngờ. 

Đó là một buổi chiều Sang cùng các bạn trong đội hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại một chung cư ở quận 10 mà không có đồ bảo hộ vì bên y tế báo đã hết. "4 thành viên trong đội sau hôm đó bị nhiễm, phải đi cách ly điều trị, giá như tụi mình kiên quyết và cẩn thận hơn" - Sang có chút hối tiếc.

Sang kể lúc nào cũng sẵn vali quần áo cùng những thứ cần thiết nên nhận kết quả là đi điều trị ngay. 17 ngày điều trị ở bệnh viện, may mắn do được tiêm một mũi vắc xin nên Sang và mấy bạn không có triệu chứng nào đáng kể. 

Cả nhóm an ủi nhau xem như tranh thủ những ngày đó xem lại việc đã làm, rút kinh nghiệm để bảo vệ mình tốt hơn, nếu không sẽ không thể giúp gì ai khác.

Đa phần các ca phơi nhiễm của tình nguyện viên đều có thể xuất phát trong những lần hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, khi thời điểm dịch bùng phát mạnh, nhiều F0 trong cộng đồng. 

Và thường kết quả dương tính đều là sau những ngày này. Nói là có thể bởi khi làm nhiệm vụ, cách hai hoặc ba hôm các bạn đều được xét nghiệm nhanh để đảm bảo an toàn cho bản thân trong quá trình làm việc.

Bạn Lê Huỳnh Tâm - vừa tốt nghiệp bác sĩ y học cổ truyền Trường ĐH Y dược TP.HCM - cũng phơi nhiễm trong một lần lấy mẫu tại cộng đồng như thế. 

16 ngày điều trị tại Bệnh viện huyện Củ Chi, Tâm tranh thủ ôn thi tốt nghiệp, quan sát và hỗ trợ bác sĩ tại đây chăm sóc các ca bệnh là người lớn tuổi. "Đây là một cơ hội thực hành chuyên môn quý giá" - Tâm khoe.

Trong khi đó, Phạm Thị Phương Trang (quận 8) - sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - hiện tự cách ly tại nhà sau khi khỏi bệnh và xuất viện cũng không chắc mình bị phơi nhiễm trong hoàn cảnh nào. 

Không lo cho mình, điều Trang băn khoăn nhất những ngày đi điều trị là tình hình của mẹ với nội ở nhà! 

"May mắn dù dương tính song mẹ và nội sức khỏe đều tốt, đã khỏi, mình đỡ lo hơn vì ba ủng hộ, chứ mẹ cản, bắt nghỉ khi biết mình tình nguyện chống dịch. Lần nào cũng hứa đi ngày cuối chứ tới nay 2 tháng rồi" - Trang cười kể.

Chúng tôi trở lại

Dược sĩ Nguyễn Lê Trà Giang, tham gia đội cựu sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM chống dịch, bị phơi nhiễm trong lần hỗ trợ lấy mẫu, hiện cách ly cùng một bạn khác trong đội tại nhà theo đầy đủ quy định của y tế. 

Do đang xin hoãn nửa năm, đợi dịch ổn mới lên đường du học nên cô gái phố núi Gia Lai muốn tranh thủ cùng mọi người chống dịch. Làm việc bán thời gian ở một công ty dược, Giang thường giải quyết việc buổi tối, còn ngày để dành đi tình nguyện.

Giang nói vui với bạn bè rằng điều trị xong sẽ trở lại, mà lần này là "bất tử"! "Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ dừng lại, cả khi phải ăn cơm hộp đến ngán như những ngày qua. Nhiều đêm về nằm nghĩ không biết từ đâu mình có năng lượng đến vậy nhưng thấy sướng, cảm giác mình đang được cống hiến cho xã hội" - Trà Giang bộc bạch.

Quan sát nỗi vất vả của bệnh nhân lớn tuổi trong những ngày tại bệnh viện đã khiến Lê Huỳnh Tâm quyết định đăng ký vào phục vụ tại bệnh viện dã chiến sắp tới. 

Tâm nói dành nốt vài ngày nghỉ ngơi hồi phục hẳn, sau đó sẽ đến bất cứ bệnh viện dã chiến nào được phân công. Anh tin bản thân chính là minh chứng và trải nghiệm của người bệnh đã qua cùng chuyên môn y khoa giúp anh sẽ tư vấn tốt hơn cho bệnh nhân.

Tương tự, Phương Trang đang dùng chiêu tâm lý với mẹ vì ngay trước hôm trở về, cô gái ấy đã có đủ số điện thoại của các bác sĩ cần liên hệ với lời hẹn quay lại chính nơi mình được cách ly điều trị để hỗ trợ bác sĩ nơi đây.

Còn Trương Thành Sang khẳng định sẽ đi tiếp, chứ quen rồi ở nhà chịu sao nổi! "Lần này đã tìm được chỗ ở tạm, cả đội sau khi làm nhiệm vụ sẽ về đó nghỉ ngơi, cũng là tự cách ly, tránh nguy cơ cho người thân trong gia đình. 

Đứa nào cũng sẵn sàng có thể bị nhiễm bệnh trở lại bất cứ lúc nào. Chỉ mong mọi người cùng chung sức để thành phố mau hết dịch, mọi thứ bình thường trở lại" - Sang nói.

Cảm ơn nhiệt huyết của các bạn

Với các bạn tình nguyện viên không may bị phơi nhiễm, ngoài việc liên hệ đơn vị y tế để đưa các bạn đi cách ly điều trị, tổ chức Đoàn - Hội từ cấp thành tới cơ sở đều hỗ trợ, chăm lo hết mình trong khả năng và điều kiện có thể. Trong đó, cùng với quà động viên, Thành đoàn TP.HCM trao thư cảm ơn, trân trọng sự đóng góp tình nguyện của các bạn.

Hiện Thành đoàn đang trao đổi kỹ với đối tác, hoàn thiện các thủ tục sao cho có thể giúp các tình nguyện viên bị phơi nhiễm hoàn tất hồ sơ để được hưởng bảo hiểm theo chương trình hỗ trợ của một công ty bảo hiểm nhân thọ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, cũng như chương trình dành cho tình nguyện viên của Trung ương Đoàn đang được triển khai đến các bạn.

'Chưa thấy tình nguyện viên nào dễ thương như chàng trai này'

TTO - Hơn một tháng nay, anh Phạm Tùng Lâm (30 tuổi, phường Linh Tây, TP Thủ Đức), được cư dân mạng biết đến với tên Lâm "ống húc", đã rong ruổi khắp các con đường lớn nhỏ chỉ để phát từng ổ bánh mì, bịch sữa, hộp khẩu trang... đến tay người nghèo.

Nguồn bài viết