Khan hiếm nhân sự công nghệ thông tin thực hiện đề án y tế thông minh

2 năm trước 140
Khan hiếm nhân sự công nghệ thông tin thực hiện đề án y tế thông minh - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, báo cáo tiến độ về đề án y tế thông minh - Ảnh: T.DƯƠNG

Ngày 15-11, Ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng nhân dân TP.HCM) đã có buổi giám sát Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội TP về tình hình triển khai thực hiện đề án "Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn 2030".

Mới tạo được 5.000 hồ sơ sức khỏe điện tử

Ông Nguyễn Anh Dũng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã báo cáo tiến độ về đề án "Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn 2030 của ngành y tế TP". Cụ thể, đến nay ngành y tế đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, xây dựng dữ liệu lớn về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân TP.

Do tình hình bệnh COVID-19 bùng phát trên địa bàn, đến nay TP.HCM mới tạo được 5.000 hồ sơ sức khỏe điện tử. Mục tiêu của đề án này là sẽ tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân TP để mỗi người dân biết về thông tin sức khỏe của mình, các cơ sở khám chữa bệnh có thông tin sức khỏe ban đầu của người bệnh nhanh chóng, chính xác.

Trong năm 2022 này, ngành y tế tạo lập hồ sơ sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ (người trên 50 tuổi hoặc có bệnh nền), năm 2023 sẽ tạo lập hồ sơ sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ em, năm 2024 - 2025 tạo lập hồ sơ sức khỏe cho nhóm dân số còn lại.

Ngoài ra, ngành y tế TP còn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và các ứng dụng công nghệ thông tin tăng thêm các tiện ích cho người bệnh tại các bệnh viện như "tra cứu nơi khám, chữa bệnh", "ki ốt tự đăng ký khám bệnh"...

Hệ thống thông tin địa lý (GIS) được ứng dụng trong hoạt động cấp cứu và quản lý bệnh truyền nhiễm của TP. Ứng dụng GIS trong giám sát chất lượng nước ăn uống sinh hoạt và giám sát môi trường, xây dựng Trung tâm điều hành Sở Y tế, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế như ứng dụng telemedicine kết nối bác sĩ khám chữa bệnh ban đầu với các bác sĩ chuyên khoa, phẫu thuật bằng robot...

Trong những khó khăn khi thực hiện đề án y tế thông minh, ông Dũng nhấn mạnh đến nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin trong môi trường y tế hiện còn khan hiếm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Lý do là nguồn thu nhập không đảm bảo, không có chế độ đãi ngộ hợp lý, nhân lực tuy có trình độ công nghệ thông tin nhưng không am hiểu về quy trình, nghiệp vụ hay chuyên môn đặc thù về y khoa, dẫn đến việc chuyển đổi ngôn ngữ từ quy trình nghiệp vụ, chuyên môn sang ngôn ngữ số gặp khó khăn.

Ông Dũng đề xuất cần có cơ chế, chính sách nhằm động viên, khuyến khích nhân sự công nghệ thông tin làm việc trong cơ sở y tế, đưa chi phí đầu tư công nghệ thông tin vào cấu thành giá bảo hiểm y tế để các cơ sở y tế yên tâm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cải tiến chất lượng phục vụ cho người dân.

Làm sao để đề án y tế thông minh thật sự thông minh? 

Tại buổi giám sát, ông Lê Trường Giang, nguyên phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đánh giá cao ngành y tế đã có nhiều nỗ lực để xây dựng đề án y tế thông minh và đã làm được một số việc quan trọng, hữu ích như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, ông vẫn đặt vấn đề làm sao để đề án y tế thông minh thật sự thông minh?

Từng là lãnh đạo ngành y tế phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin, ông Giang cho rằng ngành y tế có tính chất đặc thù như tính đa dạng, đa chức năng, đa nhiệm vụ...

Ở một bệnh viện khác hẳn một trung tâm y tế, trung tâm y tế kiểm soát bệnh tật khác hoàn toàn với bệnh viện, trạm y tế lại có chức năng khác, đòi hỏi phải có những công nghệ cho phù hợp.

Muốn có đề án y tế thông minh, phải nhìn vào tính đa dạng này, chứ không chỉ nhìn vào các bệnh viện.

Ngoài ra, phải kể đến tính phát triển không đồng đều của ngành y tế, có những nơi phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin tốt, nhưng có những nơi vẫn chưa được đầu tư, bị bỏ quên, vẫn ở trình độ thấp... Như vậy rất khó cho ngành y tế trong việc phát triển đội ngũ công nghệ thông tin.

Một người làm công nghệ thông tin ở lĩnh vực khác có thể làm rất tốt, nhưng khi đưa về làm trong ngành y tế muốn hiểu được công việc phải mất 3-5 năm.

Vậy có chính sách gì để phát triển công nghệ thông tin trong ngành y tế? Có chính sách gì để nâng cao về số lượng, chất lượng đội ngũ công nghệ thông tin cho ngành y tế? Ông Giang cho rằng phải quan tâm nhiều đến chính sách vì con người vẫn là then chốt để thực hiện mọi việc. 

Ông Cao Thanh Bình, trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, cho rằng ngành y tế TP đang quản lý một khối lượng công việc lớn, quản lý rất nhiều bệnh viện, các cơ sở y tế...

Theo ông Bình, phải làm sao để tất cả cơ sở y tế trong TP đều được hưởng đề án y tế thông minh. Khi thực hiện đề án y tế thông minh, cần được thông suốt thông tin về bệnh nhân giữa bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân, tăng cường công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, liên thông thông tin, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân giữa các bệnh viện. 

Một số bệnh viện đã ứng dụng được công nghệ tiên tiến từ các bệnh viện trên thế giới, làm sao để lan tỏa sang những bệnh viện khác...

Ông Bình cũng lưu ý ngành y tế phối hợp với ngành công an để an toàn về thông tin mạng. Còn những khó khăn và những đề xuất của ngành y tế,  Ban Văn hóa - Xã hội đã ghi nhận và sẽ có báo cáo cho UBND TP.

 không kinh phí, không nhân lực vận hànhBệnh viện vướng mắc khi thực hiện đề án y tế thông minh: không kinh phí, không nhân lực vận hành

TTO - Nhiều bệnh viện đang bước vào giai đoạn triển khai hàng loạt hoạt động trong đề án y tế thông minh hỗ trợ cho người bệnh nhưng lại gặp khó khăn như không có kinh phí, nguồn nhân lực để vận hành hệ thống.

Nguồn bài viết