Sẽ không khó để bắt gặp một người Việt Nam sử dụng iPhone trong quán cà phê, tại công sở, rạp chiếu phim… hay các địa điểm công cộng, cho thấy mức độ phổ biến của thiết bị này tại thị trường hơn 90 triệu dân. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất từ Counterpoint Research (CR), Apple vẫn xếp sau nhiều thương hiệu khác về số lượng smartphone bán ra tại Việt Nam dù có tăng trưởng mạnh mẽ gần đây.
iPhone phân phối chính hãng đang dần có chỗ đứng trong lòng người Việt Anh Quân |
Cụ thể, năm 2021 vừa qua Apple đạt tỷ lệ tăng trưởng mạnh nhất tại thị trường Việt Nam với 119%, hơn gấp đôi so với 2020. Thành tích này giúp hãng gia tăng thị phần mạnh mẽ, từ 4% lên 9%, đứng thứ 5 toàn thị trường. Xếp đầu vẫn là Samsung (34%) và Oppo (19%), Xiaomi (13%), Vivo (11%) lần lượt chiếm các vị trí tiếp theo. Trong đó, Oppo là thương hiệu giảm tăng trưởng (-6%) duy nhất trong Top 5 hãng smartphone bán tốt nhất Việt Nam.
Dù iPhone là điện thoại phổ biến, tỷ lệ người mua thiết bị này thông qua đường xách tay, mua cũ tái sử dụng vẫn cao, trong khi báo cáo từ các hãng khảo sát thị trường chỉ tính trên doanh thu sản phẩm được phân phối chính hãng. Vì vậy, dòng điện thoại thông minh của "táo khuyết" vẫn chiếm vị trí khá khiêm tốn trong các bảng xếp hạng được công bố.
Khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường cũng bắt đầu ghi nhận nhiều phản hồi tích cực về tỷ lệ người dùng iPhone trên kệ hàng chính hãng khi giá bán tại các đại lý ủy quyền đã tốt hơn, cạnh tranh mạnh mẽ với phân khúc hàng xách tay. Bên cạnh đó, tác động của đại dịch Covid-19 cũng khiến mảng kinh doanh iPhone xách tay bị ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp tạo cơ hội bứt phá cho iPhone chính hãng.
Trong báo cáo của Counterpoint Research cũng thể hiện sự thay đổi này khi tính riêng ở quý 4/2021, doanh số Apple đã vượt qua Xiaomi tại Việt Nam. Apple cũng là hãng có doanh số tăng cao nhất Top 6 trong quý 4 năm ngoái - thời điểm mua sắm cuối cùng của năm.
Apple có doanh số ấn tượng tại thị trường Việt Nam trong năm 2021 Anh Quân |
Ông Ivan Lam, chuyên gia phân tích của CR nhận định Apple đã ghi dấu ấn và có chỗ đứng trong lòng người Việt. Chiến lược phân phối mạnh mẽ thông qua các đại lý ủy quyền cùng những gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, sự xuất hiện của nhiều cửa hàng chuyên biệt chỉ kinh doanh sản phẩm Apple (Mono Store)… đều góp công trong bức tranh tươi sáng này.
Trong số các kênh mua hàng, cửa hàng truyền thống (offline) vẫn thống trị, trong khi kênh trực tuyến (online) chỉ chiếm 15% tổng doanh số (tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái). Những tác động của đại dịch cũng góp phần thúc đẩy gia tăng doanh số cho iPhone nói riêng và smartphone nói chung tại Việt Nam khi nhu cầu kết nối tăng cao, người dân phải tiến hành khai báo y tế thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Giám đốc nghiên cứu Taurun Pathak của CR nhận định Việt Nam là một trong những thị trường điện tử tiêu dùng năng động nhất tại Đông Nam Á và là quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng internet cao hàng đầu châu Á. Thời gian qua Covid-19 đã gây gián đoạn thị trường nhưng không làm suy giảm nhu cầu thiết bị di động thông minh và những con số tăng trưởng từ cuối năm 2021 là dấu hiệu rõ nhất để thấy thị trường di động tại Việt Nam có thể đã hồi phục sau đại dịch.