Intel đặt cược vào chip ô tô trong cuộc đua với TSMC, Samsung

2 năm trước 287

Tuy nhiên, cuộc đua này đòi hỏi sự đầu tư lớn và có thể khiến gã khổng lồ công nghệ Mỹ chứng kiến dòng tiền âm trong năm nay. Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger trong cuộc họp nhà đầu tư thường niên tuần trước cho biết, nhu cầu về chip ô tô dự kiến ​​sẽ tăng gần gấp đôi lên 115 tỉ USD vào năm 2030. Điều này đã thúc đẩy công ty thành lập một đơn vị sản xuất chip dành riêng cho các nhà sản xuất ô tô.

Intel đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sản xuất gia công chip để đáp ứng nhu cầu bán dẫn ngày càng tăng trong bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu gây ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt đến các nhà sản xuất ô tô.

Intel đặt cược vào chip ô tô trong cuộc đua với TSMC, Samsung - ảnh 1
Intel đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sản xuất gia công chip để đáp ứng nhu cầu bán dẫn ngày càng tăng

Reuters

“Thị trường ô tô đang trải qua giai đoạn suy thoái, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, trong khi xe điện và xe tự hành đang yêu cầu các giải pháp bán dẫn mới”, ông Randhir Thakur, Chủ tịch của Intel Foundry Services (IFS), nói.

Việc ra mắt đơn vị sản xuất chip ô tô được thông báo chỉ vài ngày sau tin Intel sẽ mua nhà sản xuất chip Tower Semiconductor của Israel với giá 5,4 tỉ USD. Giám đốc tài chính Intel Dave Zinsner cho biết công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm các mục tiêu mua bán và sáp nhập (M&A) như Tower Semiconductor để tăng khả năng mở rộng, bên cạnh việc tăng chi tiêu vốn trong vài năm tới để thúc đẩy sự tăng trưởng tự nhiên của mảng kinh doanh gia công chip.

“Chúng tôi chỉ có một niềm tin lớn hơn bất cứ điều gì khác, rằng sản xuất gia công chip là lĩnh vực kinh doanh mà chúng tôi nên tham gia”, ông Zinsner nói tại sự kiện nhà đầu tư hằng năm của Intel.

Chuyển dịch toàn cầu sang xe điện có thể đồng nghĩa với việc nhu cầu về dịch vụ gia công chip thậm chí sẽ còn cao hơn, vì xe điện đòi hỏi nhiều chất bán dẫn hơn ô tô truyền thống, bao gồm mọi thứ từ bộ vi điều khiển đến các loại cảm biến và bộ xử lý. Nhà phát triển chip ô tô chủ chốt như Infineon, Bosch, NXP, STMicroelectronics và nhiều công ty khác hiện tự sản xuất một số chip, nhưng cũng thuê ngoài gia công một phần từ hãng sản xuất chip hợp đồng như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), Globalfoundries, United Microelectronics và Powerchip Semiconductor Manufacturing Co. Các công ty này chỉ mới bắt đầu ưu tiên sản xuất chip liên quan đến ô tô, do sự thiếu hụt chưa từng có trên toàn cầu và áp lực từ các chính phủ trong việc đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất ô tô.

Globalfoundries đã tăng gấp đôi sản lượng chip ô tô vào năm 2021. TSMC cũng tăng sản lượng chip liên quan đến ô tô lên 60%. Intel dự kiến ​​doanh thu cả năm 2022 ở mức 76 tỉ USD, thấp hơn mức 79 tỉ USD mà hãng đã thông báo vào năm 2021, một phần do hạn chế của chuỗi cung ứng. Do chi tiêu mạnh tay, Intel dự kiến ​​sẽ kết thúc năm nay với dòng tiền tự do âm từ 1 tỉ USD đến âm 2 tỉ USD, so với dòng tiền tự do dương là 11,3 tỉ USD trong năm 2021.

Được biết, mảng kinh doanh gia công chip của Intel đã mang về 800 triệu USD vào năm ngoái. Việc mua lại Tower Semiconductor sẽ giúp Intel mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất chip trên thị trường điện thoại thông minh, thiết bị công nghiệp và điện tử ô tô, đồng thời cung cấp khả năng đa dạng hóa địa lý mà gã khổng lồ công nghệ Mỹ đang tìm kiếm.

Tower Semiconductor điều hành tổng cộng 8 địa điểm sản xuất chip trên khắp Israel, Mỹ và Nhật Bản, bao gồm ba nhà máy liên doanh với Panasonic. “Vì Tower vận hành các bộ phận ở châu Á, EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) và Bắc Mỹ, việc mua lại này phù hợp với mục tiêu chiến lược hiện tại của Intel là giảm sự tập trung không cân đối chuỗi cung ứng của ngành sản xuất gia công chip ở châu Á. Nó sẽ giúp Intel linh hoạt hơn trong việc phân bổ năng lực sản xuất, giảm thiểu hơn nữa rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng tiềm ẩn phát sinh từ xung đột địa chính trị”, công ty cung cấp thông tin thị trường công nghệ TrendForce viết trong một báo cáo hôm 16.2.

Nguồn bài viết