Intel chật vật tìm lại vị thế trong kỷ nguyên AI

18 giờ trước 2
Chú thích ảnhTrụ sở Tập đoàn Intel ở California, Mỹ. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Sự ra đi của Giám đốc điều hành (CEO) Pat Gelsinger sau khi giá cổ phiếu Intel giảm 61% trong nhiệm kỳ của ông càng cho thấy tình trạng khó khăn hiện tại của công ty.

Dưới sự lãnh đạo của ông Gelsinger từ tháng 2/2021, Intel đã tụt hậu so với các đối thủ như Nvidia, với công nghệ bộ vi xử lý đồ họa (GPU) đã trở thành tiêu chuẩn công nghiệp cho điện toán AI. Giá trị thị trường của Nvidia hiện nay đã vượt xa Intel, ở mức hơn 3.000 tỷ USD so với 100 tỷ USD của Intel. Mặc dù ông Gelsinger đã cố gắng vực dậy Intel, nhưng những nỗ lực của ông đã bị cản trở bởi các sai lầm chiến lược, bao gồm cả việc thiếu sự liên kết giữa những tiến bộ trong hoạt động sản xuất và phát triển sản phẩm cần thiết.

Intel còn phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng không chỉ từ các đối thủ cạnh tranh lâu năm như AMD - vốn đã ghi nhận tăng trưởng đáng kể trong phân khúc chip AI - mà còn từ những công ty mới tham gia thị trường và giàu tiềm năng như Amazon. Các cuộc thảo luận xung quanh khả năng Intel sáp nhập với các công ty công nghệ khác làm nổi bật ngã rẽ chiến lược mà “ông lớn” này đang phải đối mặt.

Tình hình càng trở nên phức tạp hơn bởi sự hỗ trợ không ổn định từ chính phủ. Mặc dù Đạo luật CHIPS và Khoa học ban đầu hứa hẹn nguồn tài trợ đáng kể để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ, nhưng việc chính phủ của Tổng thống Joe Biden gần đây cắt giảm 600 triệu USD tài trợ cho Intel đã gây thêm bất ổn.

Việc ông Gelsinger thông báo nghỉ hưu đã nhận được phản ứng trái chiều từ công chúng. Trong khi một số người thừa nhận những khó khăn mà ông phải đối mặt, những người khác chỉ trích các quyết định được đưa ra trong nhiệm kỳ của ông, chẳng hạn như việc mở rộng lực lượng lao động trong bối cảnh hiệu suất cổ phiếu giảm sút.

Nhiệm kỳ của ông Gelsinger chủ yếu là giai đoạn Intel chật vật tìm cách thích ứng với thị trường AI đang phát triển nhanh chóng. Intel đã mất thị phần vào tay Nvidia, công ty sở hữu GPU có khả năng xử lý song song vượt trội và trở thành lựa chọn ưa thích cho các ứng dụng AI.

Ông Gelsinger đã đưa ra các sáng kiến đầy tham vọng, nhưng những sáng kiến này thường bị cản trở bởi các yếu tố bên ngoài như việc giảm tài trợ của Đạo luật CHIPS và Khoa học cùng các sai lầm chiến lược nội bộ. Việc CEO Gelsinger tập trung vào sản xuất hơn là phát triển sản phẩm được coi là một sai lầm. Mặc dù có tầm nhìn, nhưng di sản của ông bị lu mờ bởi sự thất bại của Intel trong việc giành được thị phần đáng kể trên thị trường AI.

So sánh giữa Intel và Nvidia cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong quỹ đạo của họ. Thành công của Nvidia bắt nguồn từ việc tập trung chiến lược vào phát triển sản phẩm hướng tới AI, đặc biệt là chuyên môn hóa về GPU. Trong khi đó, Intel phải đối mặt với những thách thức nội bộ, bao gồm cấu trúc lương thưởng không hiệu quả và nhu cầu sắp xếp lại chiến lược.

Những khó khăn nội bộ của Intel bao gồm các thách thức về lãnh đạo sau sự ra đi của CEO Gelsinger, khó khăn trong việc liên kết phát triển sản phẩm với những tiến bộ trong sản xuất và cấu trúc quản lý còn nhiều thiếu sót. Những vấn đề này làm nổi bật sự thiếu kết nối giữa tầm nhìn chiến lược của Intel và khả năng hiện thực hóa những tầm nhìn đó. Điều này đòi hỏi Intel phải đánh giá lại các chiến lược để giữ chân nhân tài và đảm bảo tiến bộ đổi mới.

Những tác động rộng lớn hơn của cuộc cạnh tranh Intel - Nvidia vượt ra ngoài các chỉ số tài chính, bao gồm cả các khía cạnh chính trị trong nước và quốc tế. Trường hợp của Intel nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ chính phủ trong ngành công nghiệp bán dẫn nhằm mục đích củng cố vị thế của Mỹ trong đổi mới công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, sự biến động về tài trợ và hậu thuẫn chính trị làm phức tạp thêm bối cảnh chiến lược cho các công ty phụ thuộc vào những sáng kiến như vậy. Hơn nữa, tình hình của Intel có thể tác động đáng kể đến xu hướng việc làm và lực lượng lao động trong ngành công nghệ, có khả năng dẫn đến những thay đổi kinh tế xã hội rộng lớn hơn khi tập đoàn định hướng con đường tương lai của mình.

Mặc dù một số chuyên gia bày tỏ sự lạc quan thận trọng về tiềm năng phục hồi của Intel, nhưng đa số đều cho rằng tập đoàn đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể.

Tương lai của Intel phụ thuộc vào một số yếu tố chủ chốt. Tập đoàn phải đổi mới nhanh chóng để tăng sức cạnh tranh trên thị trường AI, đồng thời giải quyết các thách thức về quản lý và cấu trúc nội bộ. Thích ứng với bối cảnh chính trị nhiều biến động và đảm bảo sự hỗ trợ của chính phủ sẽ rất cần thiết cho thành công về dài hạn của Intel. Tập đoàn cũng phải quản lý các tác động xã hội của những nỗ lực tái cấu trúc, đặc biệt là với lực lượng lao động.

Khả năng thích ứng và đổi mới vẫn là chìa khóa cho thành công của Intel. Việc tham gia mạnh mẽ hơn vào các công nghệ AI, khám phá các thương vụ sáp nhập tiềm năng hoặc hợp tác chiến lược, tập trung vào phát triển sản phẩm linh hoạt có thể giúp Intel giành lại lợi thế cạnh tranh. Khi vạch ra hướng đi tương lai, việc cân bằng giữa đổi mới công nghệ với thực tế thị trường sẽ là yếu tố then chốt cho sự phục hồi của “ông lớn” ngành chip này.

Nguồn bài viết