Tổng thống Indonesia Joko Widodo chụp ảnh với cây cao lương ở tỉnh Đông Nusa Tenggara vào ngày 2-6 - Ảnh: CNA
Theo Đài Channel News Asia (CNA), khoảng 1.000 người, chủ yếu là nông dân nữ, đang tham gia trồng cao lương ở 8 huyện ở tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến thăm tỉnh này vào tháng 6 năm nay và rất ấn tượng với cách người dân địa phương trồng cao lương.
Ông Widodo thậm chí còn tin rằng cao lương nên là lương thực chính của Indonesia, để giảm sự phụ thuộc của người dân vào gạo hoặc lúa mì. Loại ngũ cốc này cũng được kỳ vọng giúp Indonesia giảm phụ thuộc vào lúa mì nhập khẩu.
Dòng xuất khẩu lúa mì trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi bất ổn gia tăng do biến đổi khí hậu và cuộc xung đột tại Ukraine.
Sau khi đến thăm một cánh đồng cao lương gần đây, ông Widodo tuyên bố: "Chúng ta muốn có nhiều lựa chọn thay thế có thể canh tác ở đất nước mình, giúp đa dạng hóa nguồn thực phẩm và nguyên liệu chế biến".
Tổng thống Indonesia cho rằng họ không thể chỉ phụ thuộc vào gạo, mà có thể dùng "ngô, hạt sago và cao lương - những loại cây trồng truyền thống" của Indonesia để thay thế.
Vào tháng 8 vừa qua, ông Widodo đã chỉ thị cho các bộ trưởng và các quan chức liên quan xây dựng lộ trình sản xuất cao lương cho Indonesia.
Các nhà phân tích tin rằng cao lương có thể là một giải pháp cho đất nước đang cạn kiệt nguồn dự trữ gạo này, giúp chính phủ giảm gánh nặng tìm kiếm nguồn nhập khẩu.
Trong tháng 12-2022, Indonesia đã quyết định nhập khẩu 200.000 tấn gạo để bổ sung lượng gạo dự trữ cạn kiệt của cơ quan hậu cần nhà nước (Bulog).
Cao lương, hay còn gọi là lúa miến hoặc bo bo, được xem là cây ngũ cốc quan trọng thứ năm trên thế giới sau lúa gạo, lúa mì, ngô và đại mạch. Hạt cao lương thường được dùng làm lương thực, nuôi gia súc hoặc sản xuất ethanol.