Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva - Ảnh: REUTERS
Năm 2020, Việt Nam đạt kết quả kinh tế khả quan hơn so với nhiều quốc gia khác trong giai đoạn đại dịch với mức tăng trưởng GDP 2,9%.
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (WEO) của IMF, Việt Nam sẽ tiếp tục đà phát triển trên, đạt mức tăng trưởng GDP 6,5% và 7,2% lần lượt trong năm 2021 và 2022.
IMF cũng dự báo nhóm 5 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - bao gồm Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia - sẽ tăng trưởng GDP ở mức 4,9% trong năm 2021 và 6,1% trong năm 2022.
Về tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam, IMF ước tính sẽ giảm từ 3,3% trong năm 2020 xuống 2,7% trong năm 2021, sau đó tiếp tục giảm còn 2,4% trong năm 2022.
Đây là những dấu hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam nếu so với mặt bằng chung của thế giới.
Trong cuộc họp cùng 20 nền kinh tế lớn của thế giới (G20) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7-4, IMF cho biết việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự đoán ở mức 6% cho thấy viễn cảnh lạc quan hơn cho một số quốc gia phát triển, điển hình như Mỹ.
Tuy nhiên, IMF cảnh báo các nền kinh tế tại những thị trường mới nổi đang tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến. Đại dịch đang đe dọa xóa đi nhiều năm nỗ lực xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu.
Phát biểu tại sự kiện trên, Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva kêu gọi các quốc gia giàu có hơn cùng chung tay, đảm bảo các nước thu nhập thấp có thể thực hiện chương trình tiêm chủng COVID-19 vì tương lai của toàn thế giới.
“Chúng ta không cách nào vượt qua đại dịch này nếu không đi cùng nhau”, bà nhấn mạnh.
Một trong những phương án đang được cân nhắc là mở rộng quỹ dự trữ của IMF thông qua Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). SDR là một dạng tiền dự trữ quốc tế do IMF tạo ra, có vai trò bổ sung cho dự trữ tiền của các quốc gia thành viên.
Theo Hãng tin Reuters, các lãnh đạo tài chính của G20 sẽ ủng hộ kế hoạch tái phân bổ 650 tỉ USD thông qua SDR để hỗ trợ các nước chịu tác động nặng nhất từ COVID-19.