IMF đáng giá Việt Nam là một trong các quốc gia hiếm hoi ngăn chặn thành công dịch COVID-19 trong năm 2020. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ hợp lý đã tạo đà cho kinh tế nửa sau năm 2020 phục hồi nhanh, ngăn chặn suy thoái.
Tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,9%, thuộc cao nhất trên thế giới. IMF cho rằng, đây là tiền đề để tăng trưởng GDP 2021 ở mức 6,5% và lạm phát ở mức 4%, dù tăng nhẹ nhưng vẫn nằm trong mục tiêu của Chính phủ.
Tuy nhiên, IMF lưu ý rằng, rủi ro đối với triển vọng kinh tế sẽ theo chiều hướng tăng trưởng chậm lại và nhấn mạnh sự cần thiết phải có các biện pháp để hạn chế tác động bất lợi lâu dài và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, toàn diện hơn.
IMF khuyến nghị Việt Nam tiếp tục bảo đảm sự ổn định tài chính. Việc hỗ trợ khu vực doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu, thời hạn, đồng thời, tăng cường cơ chế tái cơ cấu nợ. Theo đó, loại bỏ dần các chính sách hỗ trợ đặc biệt, giám sát chặt chẽ rủi ro ổn định tài chính. Các lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng cần được giải quyết, cần tạo điều kiện cho việc áp dụng Basel II khi cuộc khủng hoảng dịu đi.
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 2/2021, lạm phát tăng 1,52% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 trong 8 năm gần đây. Chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, áp lực lạm phát trong thời gian tới không nhỏ, khi tổng cầu đang phục hồi rõ rệt.
Gần đây, chi phí vận tải tăng mạnh do sự đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài từ năm ngoái. Mức tăng này sẽ gây áp lực lớn lên chi phí sản xuất, giá tiêu dùng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức tăng trên không quá nhiều cho tháng Tết. Tính trung bình 2 tháng, chỉ số CPI vẫn giảm nhẹ 0.14% so cùng kỳ.
Chuyên gia khuyến nghị theo dõi chặt diễn biến của nhóm hàng thực phẩm (thịt lợn), giao thông (xăng dầu) và nhà cửa (gồm cả giá thuê nhà, giá điện)... vì đây là các nhóm đóng góp chính cho gia tăng lạm phát thời gian qua.