Các đường ống tại cơ sở của đường ống dẫn khí Nord Stream 1, đoạn ở Lubmin, Đức - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Bloomberg, trong thông báo ngày 20-7, IMF cho biết hầu hết tác động sẽ xảy ra vào năm tới, xuất phát từ việc cắt giảm sản lượng khiến niềm tin vào nền kinh tế Đức bị tổn hại.
Ngoài ra, quỹ này cũng dự báo lạm phát có thể tăng thêm trung bình khoảng 2 điểm phần trăm vào năm 2022 và 2023.
Các nhà nghiên cứu Ting Lan, Galen Sher và Jing Zhou của IMF nói: "Việt ngừng dòng cung cấp khí đốt của Nga sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động kinh tế của Đức. Những thiệt hại kinh tế này sẽ là vĩnh viễn, không thể được bù đắp kịp thời bằng cách trì hoãn sản xuất, tiêu dùng hoặc đầu tư trong những năm tiếp theo".
Báo cáo mới nhất được công bố sau cuộc tham vấn của IMF với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Tài liệu này cũng chỉ ra việc cắt giảm các nguồn cung năng lượng của Nga là "mối đe dọa lớn nhất" mà Đức phải đối mặt.
Trong tuần này, Tổng thống Vladimir Putin đã phát tín hiệu rằng châu Âu sẽ bắt đầu nhận được khí đốt của Nga trở lại thông qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1. Song ông cảnh báo dòng khí đốt sẽ bị hạn chế rất nhiều, trừ khi vấn đề về các phụ tùng bị phương Tây áp lệnh trừng phạt được giải quyết.
Trước đó, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã giảm 60% công suất bơm khí đốt qua Nord Stream 1 trong tháng 6. Đến ngày 11-7, đường ống này đã ngưng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ.
IMF cho biết, dù đã thực hiện các bước quan trọng để giảm thiểu thiệt hại, các quan chức của Đức cần làm nhiều việc hơn nữa để thúc đẩy hiệu quả năng lượng cao hơn.
Nhóm chuyên gia IMF cũng lưu ý việc các hộ gia đình tiết kiệm năng lượng, bằng cách giảm nhiệt độ sưởi ấm trong mùa đông, cũng sẽ giúp hạn chế tác động đáng kể.
Trước những rủi ro hiện nay, IMF đề nghị Đức duy trì sự linh hoạt trong chính sách tài khóa và xem xét kích hoạt việc miễn trừ các giới hạn chi tiêu theo hiến pháp trong một năm nữa, nếu rủi ro trở thành hiện thực.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner thường xuyên nhấn mạnh rằng, Berlin và các nước khác trong khu vực đồng euro nên cắt giảm chi tiêu công để tránh đẩy lạm phát tiếp tục tăng.
Lạm phát tại khu vực này hiện đã cao gấp 4 lần so với dự báo 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Các nguồn tin quan chức của Bloomberg cho biết Đức sẽ từ bỏ kế hoạch quay trở lại các giới hạn vay nghiêm ngặt vào năm tới, nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt.