ILO: Nửa cuối năm 2021, thị trường lao động ASEAN có thể tệ hơn

3 năm trước 266
 Nửa cuối năm 2021, thị trường lao động ASEAN có thể tệ hơn - Ảnh 1.

Tỉ lệ phân bổ các gói kích thích tài khóa theo phần trăm GDP tại ASEAN - Ảnh chụp màn hình: HÀ QUÂN

Trong báo cáo, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhấn mạnh số ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng, và tiến độ triển khai vắc xin chậm có thể tiếp tục kéo dài khủng hoảng thị trường lao động, cản trở công cuộc hồi phục.

Tổ chức ILO dự báo: "Làn sóng dịch COVID-19 đang tiếp diễn sẽ khiến điều kiện thị trường lao động nửa cuối năm 2021 có thể trở nên tệ hơn nữa".

Báo cáo ước tính khoảng 53/83 triệu người làm trong chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu ở 8 nước ASEAN do nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm chế tạo giảm (tính đến tháng 4-2021).

Do vậy, bà Chihoko Asada-Miyakawa - giám đốc ILO khu vực châu Á và Thái Bình Dương - khuyến nghị: "Vấn đề cấp bách là các nước ASEAN phải đẩy nhanh các chính sách và chương trình giúp tăng cường khả năng chống chịu của các doanh nghiệp, người lao động và các hộ gia đình".

Trên thực tế, các nước ASEAN phân bổ tổng cộng 15,7% GDP cho các gói kích thích để cải thiện nền kinh tế (tới tháng 5-2021).

 Nửa cuối năm 2021, thị trường lao động ASEAN có thể tệ hơn - Ảnh 2.

Do COVID-19, Cục Việc làm đã xây dựng 3 kịch bản để sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu nhất - Ảnh: HÀ QUÂN

Việt Nam: 3 kịch bản

Trước đó, dự báo trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, Cục Việc làm (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) đã xây dựng 3 kịch bản tốt - thường - xấu cho thị trường lao động thời gian tới trong báo cáo về tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động 7 tháng đầu năm 2021. Cụ thể:

- Kịch bản xấu: việc triển khai mua và tiêm vắc xin không đáp ứng nhu cầu, không được bàn giao theo đúng tiến độ nên kế hoạch tạo miễn dịch cộng đồng gặp khó khăn. Dịch bệnh kéo dài khiến nguồn lực cạn kiệt, người dân rơi vào tình trạng mất việc làm, không đảm bảo được điều kiện sống khiến dịch bùng phát trên toàn quốc với mức độ nguy hiểm, mất kiểm soát. Dự báo sẽ có gần 40 triệu lao động bị ảnh hưởng.

- Kịch bản thường: các tỉnh, thành phố phía Nam đã áp dụng mạnh mẽ các biện pháp giãn cách xã hội, hỗ trợ lao động ngoại tỉnh tạm thời không ồ ạt về quê… nhưng số ca F0 liên tục tăng, không có chiều hướng giảm. Một số tỉnh, thành phố miền Bắc, miền Trung bắt đầu gia tăng số ca F0. Số lao động bị tác động trên 30 triệu người, tập trung vào các ngành như chế biến chế tạo, vận tải, du lịch, lưu trú, bán buôn, bán lẻ…

- Kịch bản tốt: dịch được kiểm soát hoàn toàn, không có sự lây lan, bùng phát sang các địa phương trong tháng 8, các tỉnh dừng thực hiện chỉ thị 16 ngay trong nửa đầu tháng 8. TP Hà Nội, TP.HCM cơ bản hoàn thành tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên… Số lao động bị tác động trong quý 3-2021 là hơn 22 triệu người, tập trung vào người làm công ăn lương trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện phong tỏa, giãn cách như trong khu công nghiệp, khu chế xuất hay các ngành du lịch, lưu trú, bán buôn bán lẻ, nghệ thuật.

Số lao động mất việc ước tính 500.000 - 600.000 người, số lao động ngừng việc, cắt giảm giờ làm khoảng 5 triệu người. Tuy nhiên, thị trường lao động có nhu cầu tuyển dụng lớn để phục hồi sản xuất kinh doanh với dự kiến 500.000 người (quý 3).

Dịch COVID-19 khó kiểm soát, hàng triệu người thất nghiệp, thiếu việc làmDịch COVID-19 khó kiểm soát, hàng triệu người thất nghiệp, thiếu việc làm

TTO - Sự bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn, khó kiểm soát hơn của dịch COVID-19 lần thứ 4 làm cho tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm quý 2 năm nay tăng mạnh, trong đó số người thất nghiệp gần 1,2 triệu, người thiếu việc làm khoảng 1,1 triệu.

Nguồn bài viết