Hằng năm, trên thế giới có gần 3 triệu người mất do tai nạn nghề nghiệp tại nơi làm việc, hoặc do các bệnh liên quan đến nghề nghiệp - Ảnh minh họa: REUTERS
28-4 là Ngày thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Đây là ngày toàn thế giới cùng nhau thúc đẩy và nêu bật tầm quan trọng của an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc và tưởng nhớ những đồng nghiệp đã ra đi vì tai nạn và bệnh nghề nghiệp trong năm.
Nhân dịp này, bà Ingrid Christensen - giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam - ghi nhận sáng kiến tổ chức Tháng hành động về an toàn và sức khỏe tại Việt Nam của Hội đồng Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.
Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam… trong cải thiện vấn đề an toàn và sức khỏe ở Việt Nam, bà cho biết hằng năm, trên thế giới có gần 3 triệu người mất do tai nạn nghề nghiệp tại nơi làm việc hoặc do các bệnh liên quan đến nghề nghiệp.
Ngoài ra, có hàng trăm triệu người ngã bệnh hay chấn thương do công việc.
Năm nay, Ngày thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc tập trung vào vấn đề nâng tầm đối thoại xã hội hướng về văn hóa an toàn và sức khỏe. Đây là tất cả các hình thức thương lượng, tham vấn, và trao đổi thông tin giữa đại diện người lao động, lãnh đạo công ty, chính phủ và các bên liên quan khác về các quan ngại chung.
Chẳng hạn ở Canada, đại diện người sử dụng lao động và người lao động cùng nhau xây dựng kế hoạch đối phó với COVID-19, quy trình sàng lọc, truy vết.
Ở Nam Phi, người sử dụng lao động, người lao động và chính phủ cùng đưa ra các biện pháp đối phó để giảm thiểu mức độ lây lan của virus tại nơi làm việc.
Tại Việt Nam, trong dịch COVID-19, ngành điện tử đã đối thoại với các bên liên quan để thiết kế các biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của virus trong các nhà máy.
Các nghiên cứu chỉ ra khi người lao động tham gia thúc đẩy an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc, rủi ro tai nạn lao động giảm rõ rệt. Cụ thể, tỉ lệ tai nạn giảm 64% và tỉ lệ nhập viện giảm 58% với sự tham gia hợp tác của người lao động.