Sầu riêng tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: TRUNG TÂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều tối 11-9, ông Hoàng Trung - cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - khẳng định hiện nay Việt Nam chưa cho phép xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch nào sang Trung Quốc.
"Việc xuất khẩu phải tuân thủ theo đúng ký kết nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời tuân thủ theo quan điểm của bộ và cục là tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng phải thực hiện đúng các quy định", ông Trung nói.
Một số đơn vị mạo danh, tự ý lấy mã vùng trồng
Bà Nguyễn Thị Hà - chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 (Cục Bảo vệ thực vật) - cho biết tại cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn hiện có hai container hàng sầu riêng của Công ty TNHH An Khang (địa chỉ tại huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) không đạt điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, do chưa có giấy ủy quyền của vùng trồng mà Trung Quốc đã phê duyệt.
Theo giấy tờ do Công ty An Khang cung cấp thì mã số vùng trồng của lô hàng sầu riêng là VN-ĐLOR-0071.
Đây là một trong số 16 mã số vùng trồng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt hôm 7-9, vùng trồng này của Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc, ở xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
"Khi nào Công ty An Khang có đầy đủ giấy tờ ủy quyền, kèm thêm xác nhận của Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 sẽ lập tức tạo điều kiện cho lô hàng thông quan", bà Hà nói.
Ông Lê Minh Tâm - giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc và Công ty TNHH TM nông sản Thiện Tâm (Tiền Giang) - cho biết hiện nay đang có tình trạng một số đơn vị mạo danh và tự ý lấy mã số vùng trồng của hợp tác xã, doanh nghiệp để làm thủ tục, hồ sơ xuất khẩu sản phẩm sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.
Để phục vụ xuất khẩu lô hàng đầu tiên, thời gian tới doanh nghiệp sẽ triển khai ký kết với các đơn vị xuất khẩu theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, đồng thời làm văn bản thông báo đến cục về việc ủy quyền sử dụng mã số cho đơn vị đối tác.
Tương tự, Công ty CP thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) cũng có công văn gửi tới Cục Bảo vệ thực vật khẳng định không ủy quyền mã số vùng trồng cho bất kỳ đơn vị nào.
Vừa được phê duyệt, sầu riêng đã đến cửa khẩu
Theo ông Hoàng Trung, dù mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, nhưng hiện nay đã có một số xe hàng sầu riêng lên đến cửa khẩu.
Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống kiểm dịch thực vật phối hợp cùng với các cơ quan liên quan kiểm tra chặt chẽ các giấy tờ, hồ sơ. Khi nào đáp ứng đầy đủ các điều kiện thì mới cho phép xuất khẩu.
"Cho đến nay, cục đang phối hợp với tất cả các địa phương có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt để chuẩn bị cho công tác xuất khẩu.
Để xuất khẩu được, doanh nghiệp phải chuẩn bị, đáp ứng được các yêu cầu của phía bạn như bao bì, nhãn mác, đi thu mua sầu riêng tại các vùng trồng được phê duyệt.
Nếu là doanh nghiệp thương mại thì phải được ủy quyền của những chủ sở hữu mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đó và cục sẽ kiểm soát.
Diện tích và sản lượng tại các vùng trồng được Trung Quốc phê duyệt cục nắm rất rõ. Do đó, cục đã yêu cầu cơ quan kiểm dịch thực vật kiểm tra, đối chiếu để không xảy ra tình trạng gian lận, mạo danh mã số để xuất khẩu sang Trung Quốc", ông Trung nói.
Phát hiện mạo danh, mượn mã sẽ bị dừng xuất khẩu
Theo ông Hoàng Trung, để sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là sự nỗ lực trong rất nhiều năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật, các địa phương, doanh nghiệp thì mới có thể đàm phán, ký kết được nghị định thư.
"Nếu để xảy ra tình trạng mạo danh, mượn mã số vùng trồng... mà phía bạn phát hiện vi phạm thì sẽ dừng ngay mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đó. Nếu vi phạm nhiều lần, phía bạn sẽ ngừng cả ngành hàng sầu riêng của Việt Nam.
Nếu xảy ra thì đây là hậu quả rất nghiêm trọng, do đó cục đã và đang yêu cầu các vùng trồng, cơ sở đóng gói, các đơn vị liên quan cùng chung tay để thực hiện đúng quy định của nghị định thư", ông Trung nói thêm.