Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Áo tại Vienna (Áo) ngày 6-9 - Ảnh: TTXVN
Sáng 6-9 theo giờ địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Áo.
Sự kiện do Sứ quán Việt Nam, Bộ Kế hoạch - đầu tư và Phòng Kinh tế liên bang Áo đồng tổ chức, với sự tham dự của hơn 30 lãnh đạo là đại diện cho hơn 20 tập đoàn, công ty của Áo và đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Richard Schenz - phó chủ tịch Phòng Kinh tế liên bang Áo - cho biết Áo mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới ở Việt Nam để tránh những đổ vỡ trong chuỗi cung ứng hàng hóa đang có nguy cơ xảy ra trên phạm vi toàn cầu hiện nay.
"Chúng tôi nhận thấy trọng tâm của các hoạt động kinh tế quốc tế hiện nay tập trung rất nhiều ở châu Á, đặc biệt ở Việt Nam. Gần đây chúng tôi cũng đã mở văn phòng đại diện tại TP.HCM, tham gia hợp tác về thành phố thông minh, hạ tầng, phát triển năng lượng sạch…
Đồng thời nhìn thấy tiềm năng phát triển công nghệ trong việc xử lý vấn đề môi trường và rác thải", ông Schenz cho biết.
Các doanh nghiệp của Áo tới dự diễn đàn đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, tư vấn, giao thông, ôtô, thiết bị an ninh, phòng cháy, xử lý rác thải y tế, thương mại, luật, dịch vụ hàng không và năng lượng...
Trong số này có nhiều đối tác đã và đang thực hiện các dự án ở Việt Nam như xây dựng cáp treo ở Đà Nẵng, Lào Cai, sản xuất phụ tùng ôtô, các công ty đa quốc gia đặt trụ sở đại diện của khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 2,91% trong năm 2020, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực khi GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 5,64%, kim ngạch thương mại đạt gần 429 tỉ USD (tăng 27,2% so với cùng kỳ 2020), các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng triển vọng lên tích cực, các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định...
Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 350 tỉ USD, với kết quả thu hút FDI tích cực, Việt Nam lần đầu tiên được Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,5% trong năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 6% của toàn thế giới.
Bước vào năm 2021, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Việt Nam đã đưa ra quan điểm phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
"Về đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Đồng thời, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, có sự lan tỏa kết nối hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập tới Hiệp định thương mại EU - Việt Nam (EVFTA), vốn đã được Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) thực hiện được hơn một năm.
Hiện nay, Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA. Nhưng theo quy định EVIPA phải được từng nghị viện thành viên của các nước EU phê chuẩn.
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại thực tế tới nay chỉ có 6/27 quốc gia đã chính thức phê chuẩn EVIPA, trong đó Áo là nước chưa phê chuẩn.
"Do đó, chúng tôi muốn Phòng Kinh tế liên bang Áo và doanh nghiệp Áo ủng hộ Việt Nam, có tiếng nói để thúc đẩy Quốc hội và Chính phủ Áo hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA sớm nhất.
Chúng tôi ví EVFTA và EVIPA như là hai cánh của một con chim, nếu chỉ có Hiệp định thương mại mà không có Hiệp định bảo hộ đầu tư thì quyền lợi của các nhà đầu tư Việt Nam, cũng như của châu Âu sẽ không được bảo đảm.
Khi hoàn tất phê chuẩn các hiệp định này ở Nghị viện, lúc đó chúng ta mới có thể coi 2 hiệp định này như là một cao tốc, đại lộ kinh tế 2 chiều để kết nối châu Âu với Việt Nam", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh với các doanh nghiệp của Áo.