Đo huyết áp trước khi bác sĩ khám và kê toa - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại Nhà thiếu nhi tỉnh An Giang, hơn 500 công nhân trong toàn tỉnh đã có mặt từ sớm chờ được các y bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh An Giang tư vấn và thăm khám.
Đầu tiên, các anh chị được đội tư vấn sàng lọc những triệu chứng hậu COVID-19 để nhận định mức độ nặng nhẹ. Sau đó đến bàn khám, tư vấn và đo huyết áp. Trường hợp nào nghi ngờ hoặc nguy cơ cao mắc các bệnh về tiểu đường, gout được test miễn phí. Cuối cùng là nhận thuốc và quà rồi ra về.
Anh Huỳnh Văn Hiếu, ngụ huyện Châu Thành, cho biết anh mắc COVID-19 cách đây khoảng 3 tháng, gần đây có dấu hiệu tức ngực, hay mệt bất thường. "Sau khi khám, bác sĩ yêu cầu tôi chú ý ăn uống, tăng cường thêm các chất bổ dưỡng. Đặc biệt hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ mắc COVID-19 để phòng tránh tái nhiễm", anh Hiếu nói.
Còn chị Nguyễn Thị Kim Phụng, ngụ TP Long Xuyên, cho biết bản thân chưa từng bị COVID-19 ngay cả trong đợt dịch bùng phát nhưng khi hết giãn cách xã hội, đi làm lại thì có dấu hiệu ho, sốt nên nghi ngờ mắc bệnh.
"Chắc nhờ vắc xin nên tôi vượt qua luôn, bản thân không biết có mắc COVID-19 hay không. Sau đợt này tôi sẽ đi khám tổng quát để an tâm về sức khỏe", chị Phụng nói.
Sau khi được tư vấn thăm khám, các công nhân nhận thuốc và quà - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tú - phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam - cho biết dịch COVID-19 đã tạm lắng xuống, song cũng còn tồn tại nhiều nguy cơ, mong người dân, đặc biệt anh chị em công nhân tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước, nhất là trong việc tiêm vắc xin mũi 4 để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.
"Thông qua chương trình này, chúng tôi muốn chia sẻ sự quan tâm dành cho công nhân, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19. Hy vọng các anh chị sẽ có được những thông tin hữu ích về tình trạng sức khỏe của bản thân, sau đó có kế hoạch thăm khám chuyên sâu cũng như chế độ ăn uống phù hợp", anh Tú nói.
An Giang là tỉnh đầu tiên khởi động chương trình tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 cho thanh niên công nhân, người lao động.
Ngoài 500 người được khám trực tiếp, chương trình còn tư vấn qua ứng dụng điện thoại cho 5.000 công nhân; khám sàng lọc cao huyết áp, đái tháo đường cho 1.000 người lao động; tư vấn kiến thức liên quan đến sử dụng đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe.
Chương trình được thực hiện tại 5 tỉnh, thành phố: An Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Đồng Nai và TP.HCM với tổng kinh phí hơn 1,1 tỉ đồng do Công ty TCP Việt Nam tài trợ.