Hội nghị đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023: Kết nối hướng tới phát triển xanh

11 tháng trước 87

Sự kiện do Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng InnoLab Asia (đơn vị triển khai và tư vấn về đổi mới sáng tạo) phối hợp tổ chức ngày 25 – 26/11, tập trung về đổi mới sáng tạo xanh; chuyển đổi xanh trong các lĩnh vực, nhất là vận tải, logistics… 

Chú thích ảnhTổng lãnh sự Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh Daniel Stork phát biểu chào mừng.

Phát biểu chào mừng, Tổng lãnh sự Vương quốc Hà Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh Daniel Stork chia sẻ thông điệp về phát triển xanh, trong đó khuyến khích sử dụng xe đạp để bảo vệ môi trường. Tại Hà Lan, lượng xe đạp rất nhiều, đi xe đạp sẽ giúp cơ thể người dân khỏe mạnh, giảm ùn tắc giao thông và tốt cho môi trường. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai mô hình xe đạp công cộng nhưng chưa nhiều nhưng đây thực sự là hướng đi phù hợp.

Tại hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực sản xuất, logistics, tài chính, bán lẻ cùng thảo luận về chiến lược ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và cơ hội phát triển xanh cho doanh nghiệp. Hội nghị hướng tới một nền tảng kết nối năng động xuyên quốc gia cho các doanh nghiệp hàng đầu, công ty khởi nghiệp và những thành tố quan trọng khác trong cộng đồng sáng tạo toàn cầu.

Chú thích ảnhChuyên gia Bert Grobben, Nhà sáng lập – CEO của Budding Innovation chia sẻ kinh nghiệm.

Với tham luận “Chuyển đổi xanh: Con đường hướng tới tương lai bền vững của Việt Nam”, chuyên gia Bert Grobben, Nhà sáng lập – CEO của Budding Innovation (trụ sở tại Singapore) cho biết: Đơn vị luôn chú trọng phát triển bền vững, xem đó là chiến lược xuyên suốt trong hoạt động. Các bên liên quan luôn phải nỗ lực nghiên cứu mô hình chuyển đổi, tái tạo để đưa vào sản xuất, giúp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cũng đã tạo được chỗ đứng trên thị trường; Budding Innovation muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Về chuyển đổi theo hướng xanh, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là SME (nhỏ và vừa), nên có thể bắt đầu xây dựng từ những nội dung cơ bản ban đầu để triển khai. Các doanh nghiệp không nhất thiết phải thực hiện nhanh chóng mà cần có chiến lược cụ thể, có thể bắt đầu bằng việc thay đổi bao bì thân thiện hơn…

Chia sẻ về “ESG tại Việt Nam: Hiện trạng và triển vọng tương lai”, bà Dzeneta Mulabegovic, chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, UNDP đang hỗ trợ đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp đối phó với thách thức trong quá trình thực hiện chiến lược ESG. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đi tắt đón đầu trong phát triển bền vững. UNDP sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam trên con đường này.

Chú thích ảnhCác chuyên gia trao đổi, thảo luận tại Hội nghị Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023.

Theo báo cáo “Các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam: Mức độ cam kết ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và thực hành Báo cáo phát triển bền vững” do PwC (mạng lưới các công ty) công bố mới đây, tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam là 93% và mức trung bình là 80%. Tuy nhiên, chỉ có 35% doanh nghiệp niêm yết đã thiết lập kế hoạch ESG. Hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết sẽ lập kế hoạch trong 2-4 năm tới.

Từ thực tế trên, các chuyên gia đã thảo luận nhiều vấn đề chuyên sâu, chia sẻ trải nghiệm thực tiễn trong hành trình xanh, trong đó nêu thực trạng đổi mới sáng tạo trong bối cảnh “xanh hóa” toàn cầu. Đại diện từ VinFast, Datbike và Ecotruck cũng khắc họa bức tranh toàn diện về sản xuất và phổ biến xe điện cho người dân cũng như ngành vận tải…

Nguồn bài viết