Chương trình là cầu nối để các nhà khoa học trẻ chia sẻ góc nhìn, sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp để đổi mới sáng tạo, tận dụng thế mạnh của tri thức và khoa học công nghệ, đồng thời, góp phần thúc đẩy sáng kiến khoa học trong giới trẻ.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Việt Nam đứng trước cuộc cạnh tranh về công nghệ vì thế thúc đẩy các sáng kiến trong giới trẻ là cần thiết. Việt Nam trải qua các giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hiện nay đến giai đoạn Việt Nam cần bứt phá hơn, phát triển từ khoa học công nghệ. Để làm được điều đó, có rất nhiều điều phải chuẩn bị, cụ thể là chuẩn bị nguồn lực từ sớm, đào tạo từ các trường trung học phổ thông, như vậy, trong tương lai, nhân lực mới góp phần vào sự phát triển của đất nước. Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 - Thúc đẩy sáng kiến khoa học trong giới trẻ mang tính khích lệ, với bối cảnh cạnh tranh khoa học trên toàn thế giới, người trẻ có động lực quan tâm đến khoa học công nghệ, tự nhiên thay vì quan tâm đến kinh tế, thương mại như trước đây.
Trong phiên toạ đàm với chủ đề "Khơi nguồn sáng tạo trong giới trẻ", ông Đặng Kim Long, Giám đốc đối ngoại, Huawei Việt Nam chia sẻ câu chuyện về việc thúc đẩy nghiên cứu và triển khai (R&D) công nghệ mới trong thế hệ trẻ, Huawei coi R&D là cuộc đua marathon, cần được đầu tư liên tục và việc đổi mới thúc đẩy đầu tư tập trung 3 lĩnh vực chính là khám phá lý thuyết cơ bản, kiến trúc cấu trúc hệ thống, thu hút nhân tài giải quyết thách thức mang tầm quốc tế. Trong đó, việc thu hút nhân tài là một trong những bài toán mà doanh nghiệp luôn trăn trở bởi việc đầu tư nhân tài không phải là hái "trái ngọt" trong một đêm mà là hành trình dài. Vì vậy, trong quá trình phát triển, Huawei đã tạo ra sân chơi cho các nhà nghiên cứu phát triển, cam kết tạo đủ nguồn lực và tài chính để hỗ trợ các nhà khoa học khám phá và sáng tạo khoa học.
Với vai trò điều hành phiên toạ đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các diễn giả tháo gỡ các nút thắt xoay quanh những thuận lợi, khó khăn của những người nghiên cứu trẻ, tìm ra họ cần hỗ trợ gì từ những doanh nghiệp dẫn dắt. Ong Phạm Bảo Sơn cho rằng, sự phát triển của khoa học công nghệ 4.0, một lực lượng nghiên cứu trẻ được hình thành và kết nối mạnh mẽ thông qua các mạng lưới trí thức. Bởi vậy để khơi nguồn sáng tạo trong cộng đồng khoa học trẻ Việt Nam vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy nhà khoa học trẻ phát huy tính sáng tạo.
Là một nhà nghiên cứu và điều hành doanh nghiệp chuyên đầu tư vào sản xuất kinh doanh các sản phẩm khoa học công nghệ, bà Nguyễn Thị Hương Liên, đồng sáng lập, Phó Chủ tịch Tập đoàn Sao Thái Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học công nghệ Việt Nam nhận thức rõ về vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp Việt trong phát triển sản phẩm từ nghiên cứu khoa học. Dẫn lại câu chuyện bản thân từ 30 năm trước khi còn là sinh viên với những lần tham gia nghiên cứu khoa học có cả những thất bại, thành tựu nhỏ mỗi ngày và sự động viên khích lệ, các phần thưởng của các nhà tài trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp đã bồi đắp cho bà ước mơ sáng tạo. Vì vậy, để khuyến khích các nhà khoa học trẻ, Sao Thái Dương đã sáng lập Quỹ hỗ trợ sinh viên Đại học dược Hà Nội, trao phần thưởng, đặt hàng trung tâm, viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhằm thương mại hóa sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Hương Liên cho rằng, từ việc ứng dụng công nghệ mới, trong đại dịch COVID-19, Sao Thái Dương có nhiều sản phẩm như: Gel sát khuẩn, nước súc miệng, xịt mũi họng, dầu gừng... Hiện Sao Thái Dương sở hữu 17 sáng chế và giải pháp hữu ích lĩnh vực y tế; được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2016; Giải vàng Chất lượng quốc gia 2020; Giải thưởng của UN-Women 2020; xuất khẩu sản phẩm thảo dược tới Mỹ, Anh, Đức, Nga, Trung Quốc...
Kết thúc hội nghị các nhà khoa học trẻ 2022 đã diễn ra Lễ Trao giải cuộc thi sáng kiến khoa học năm 2022, cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2022 mong muốn tạo một sân chơi dành cho các nhà khoa học chuyên và không chuyên dưới 40 tuổi, truyền cảm hứng sáng tạo và thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng vào thực tế. Cuộc thi hướng đến 5 lĩnh vực gồm: y sinh - hóa sinh, giáo dục, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới.
Cuộc thi đã trao giải Đặc biệt trị giá 100 triệu đồng cho tác giả Đồng Quang Hùng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zunibal Việt Nam với giải pháp đưa ra là sự kết hợp giữa công nghệ vệ tinh hiện đại với trà nổi truyền thống giúp khai thác cá hiệu quả.
Giải Nhất trị giá 50 triệu đồng được trao cho sáng kiến chiết tách lycopen từ quả gấc của nhóm nhà khoa học G5, Viện Hoá học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Giải Nhì trị giá 30 triệu đồng được trao cho Thiết bị nội soi 3D, của nhóm bác sĩ chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu, phụ trách Trung tâm Nghiên cứu công nghệ in 3D ý sinh và các cộng sự từ Đại học VinUni.
Giải Ba trị giá 20 triệu đồng được trao cho công nghệ chống hàng giả bằng blockchain do nhóm Nguyễn Đình Quân, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Ngoài ra còn có giải Khuyến khích trị giá 10 triệu đồng cho các sản phẩm: Trà định tâm Assamica, là sản phẩm của nhóm MEDTECH do Nguyễn Long Hoàng (23 tuổi), vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu; Thiết bị tự động đo thân nhiệt phòng COVID-19, điểm danh bằng thẻ RFID giúp dễ quản lý học sinh, là sáng chế từ nhóm của thầy giáo Lê Đức Quốc, Trường Trung học cơ sở-Tung học phổ thông Thạnh Lộc (Kiên Giang); Website hỗ trợ người dân tộc Mông ôn thi bằng lái xe máy chưa sử dụng được tiếng Việt của nhóm Dream Makers do Đoàn Thị Hà Giang (18 tuổi) học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội Trú tỉnh Điện Biên làm trưởng nhóm.