Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 với thủ tục nhanh gọn

3 năm trước 868

Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan tại buổi thông tin về việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch theo Nghị quyết 09/2021NQ-HĐND của HĐND Thành phố về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Sự kiện được tổ chức ngày 5/7. 

Chú thích ảnhQuang cảnh họp báo. 

Theo ông Võ Văn Hoan, đây là chính sách đặc thù thể hiện trách nhiệm của chính quyền Thành phố đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là người lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, lao động tự do, người dân có hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế trong xã hội. Điểm mới của đợt hỗ trợ lần này là tổ công tác chuyên giải đáp những thắc mắc của người dân, đơn vị, cơ sở phản ánh đã được thành lập; tăng cường hậu kiểm các bộ hồ sơ tại địa phương, doanh nghiệp để đảm bảo tính chính xác từng khâu, từng bộ phận, tránh lợi dụng chính sách.

Cụ thể Thành phố sẽ hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại các cơ sở của nhà nước (ngoại trừ người nước ngoài); hỗ trợ 120.000 đồng/người/ngày cho các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch (bao gồm nhân viên y tế, bác sỹ, trực tiếp; lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch như dân phòng, dân quân, cán bộ khu phố, tổ dân phố, ấp, tổ nhân dân, cán bộ mặt trận, các đoàn thể; các lực lượng do UBND cấp huyện, xã huy động…)

Đối với người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5 – 31/12/2021 hoặc đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương) tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại thành phố) sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người. Riêng các trường hợp người lao động đang mang thai hay nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trường hợp.

Tương tự, Thành phố hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người đối với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (từ ngày 1/5 – 31/12/2021, trừ các trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 hoặc có tên trong danh sách bảo hiểm bắt buộc). Đồng thời, hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trường hợp trường hợp người lao động đang mang thai hay nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi.

Thành phố cũng sẽ hỗ trợ 50.000 đồng/ngày/người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong đó, hình thức người lao động tự làm (nhóm 1) như: buôn bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố, không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu, bốc vác, chuyển hàng bằng xe ba gác, xe thô sơ, bán lẻ vé số lưu động; tự làm trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ sẽ do chính quyền địa phương thống kê, lập danh sách. Nhóm 2 gồm: người lao động làm thuê tại hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ; công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND thành phố… sẽ do người sử dụng lao động thống kê, lập danh sách.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ/1 lần đối với hộ kinh doanh thành lập theo Luật Doanh nghiệp và đang hoạt động (trừ hoạt động cho thuê nhà/mặt bằng) phải dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND Thành phố (áp dụng khu vực thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19); hỗ trợ từ 150.000 đồng - 300.000 đồng/điểm kinh doanh/tháng cho các thương nhân tại các chợ truyền thống hạng 1,2,3 (có điểm kinh doanh, quầy hàng, sạp hàng, ki ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ); có mã số thuế; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế đối với nhà nước…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cũng yêu cầu các sở, ngành, Ban quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp, doanh nghiệp, hộ tiểu thương cùng các cấp chính quyền địa phương phải đảm bảo tính minh bạch, đúng đối tượng, công khai, kịp thời, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách. Các sở, ngành và các tổ chức đoàn thể cần có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất, tinh thần trách nhiệm và tính linh hoạt cao để hoàn thành nhiệm vụ nhanh nhất, tốt nhất; đồng thời đề cao vai trò của doanh nghiệp, người sử dụng lao động cùng chính quyền địa phương trong việc thực hiện mục tiêu phục vụ cho người lao động nhanh chóng, hiệu quả, không phiền hà.

“Rút kinh nghiệm từ lần thứ nhất, đợt hỗ trợ lần này hướng đến thủ tục đơn giản và phần lớn người lao động không phải làm các quy trình thủ tục mà chỉ có doanh nghiệp, chính quyền địa phương hoặc bảo hiểm xã hội thực hiện. Duy chỉ có người lao động tự do, người lao động bị mất việc mới làm thủ tục theo mẫu kê khai, quyết định nghỉ việc, xác nhận nơi cư trú… gửi hội đồng phường, xã, thị trấn xét duyệt. Phần còn lại sẽ do các cơ quan chức năng thực hiện trong thời gian 7 ngày. Nếu hồ sơ được duyệt, sẽ được chi trả ngay qua tài khoản hoặc tại địa phương. Nếu hồ sơ không đáp ứng các yêu cầu về việc chi hỗ trợ, chính quyền địa phương sẽ có văn bản trả lời chính thức”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Hiện Thành phố đã hoàn tất thống kê cơ bản về số lượng các trường hợp được hỗ trợ và dự báo khả năng phát sinh; đồng thời đảm bảo nguồn kinh phí cho việc chi hỗ trợ. Thành phố cũng tiến hành rà soát, thẩm định các trường hợp đủ điều kiện được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ để trình Hội đồng Thành phố phê duyệt cho hưởng theo chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch COVID-19...

Nguồn bài viết