Hỏi đáp cùng thầy thuốc: Phân biệt cảm lạnh theo mùa và COVID-19?

2 năm trước 212
 Phân biệt cảm lạnh theo mùa và COVID-19? - Ảnh 1.

Thời tiết trở lạnh những ngày gần đây là điều kiện thuận lợi cho các loại virus gây bệnh phát triển - Ảnh: NHẬT THỊNH

Một số nghiên cứu cho thấy những người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đủ liều thường không có triệu chứng nhiễm bệnh hoặc triệu chứng sẽ nhẹ và thông thường như cảm cúm. Chính vì vậy, việc phân biệt các triệu chứng giữa cảm cúm, cảm lạnh và COVID-19 trong mùa lạnh càng cần thiết hơn, tránh những nhầm lẫn đáng tiếc.

ThS Trần Thị Tố Quyên - giảng viên phân môn hô hấp, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM)  - cho biết đây là thời điểm người dân dễ nhiễm các loại siêu vi nhất trong năm vì nhiệt độ thấp, các loại virus thuận lợi để phát triển.

“Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường mắc phải trong mùa này như cảm lạnh, cúm và gây ra các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, sổ mũi... Mặc dù các triệu chứng gần giống như nhau nhưng không nên lầm tưởng là nhiễm COVID-19, mà phải xem xét yếu tố dịch tễ và biểu hiện đặc trưng”, bà Quyên nhắc nhở.

Theo ThS.BS Nguyễn Nguyên Huyền - trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cảm cúm là căn bệnh thường niên, do virus cúm gây ra, phát triển nhiều khi thời tiết chuyển lạnh, có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh.

Còn cảm lạnh là bệnh viêm hô hấp nhẹ hơn so với cúm, có thể khỏe lại sau một vài ngày. Triệu chứng thông thường của cảm cúm, cảm lạnh bao gồm sốt, ho, đau mỏi người, có các tổn thương viêm long đường hô hấp. Các triệu chứng cảnh báo bệnh nặng lên gồm ho nhiều, tức ngực, khó thở, sốt cao.

“Mặc dù rất giống với triệu chứng của COVID-19 nhưng khi bị cảm người bệnh thường có thêm các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi. Còn với người nhiễm COVID-19 chỉ có ho, ho khan, ho dai dẳng; sốt; mất khứu giác và vị giác”, bác sĩ Huyền chia sẻ.

Tuy nhiên theo các bác sĩ, triệu chứng COVID-19 ngày càng nhẹ và khó nhận biết hơn khi tỉ lệ tiêm vắc xin ở TP.HCM cao, vì vậy để xác định đúng bệnh cần phải dựa vào yếu tố dịch tễ và thực hiện xét nghiệm khi cần.

Các bác sĩ khuyến cáo nếu có những triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 cộng với yếu tố dịch tễ nguy cơ thì tự cách ly tại nhà, luôn tuân thủ 5K, thực hiện test nhanh COVID-19 hoặc gọi điện đến cơ sở y tế để được tư vấn.

Để bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên giữ ấm cho cơ thể, nhất là khi về đêm, nhiệt độ hạ thấp. Ngoài ra không vì lạnh mà lười vận động bởi việc luyện tập thể dục thể thao rất quan trọng, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt, tăng nguồn năng lượng tích cực.

Chú ý vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý; vệ sinh tay, chân thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước rửa tay bởi các loại virus hay lây truyền qua mắt, mũi, miệng, các đồ vật tiếp xúc.

Theo trang Business Insider của Mỹ, người dân có thể phân biệt COVID-19 với bệnh cảm lạnh thông thường, dị ứng và cúm qua 3 triệu chứng biểu hiện phổ biến và rõ ràng nhất là sốt, ho khan và khó thở. Triệu chứng khó thở chính là triệu chứng không liên quan với cảm lạnh hay cúm, mặc dù khá phổ biến với các chứng dị ứng.

Nếu bị hắt hơi hay sổ mũi, nhiều khả năng bạn không bị COVID-19. Cúm có xu hướng gây cảm giác đau nhức khó chịu trong cơ thể hoặc mệt mỏi hơn bệnh COVID-19.

Bạn đọc có những thắc mắc, băn khoăn về các vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng, tiêm ngừa... mời gửi email đến hộp thư Hỏi đáp cùng thầy thuốc theo địa chỉ: [email protected] (để chính xác nội dung bạn đọc quan tâm, vui lòng gõ tiếng Việt có dấu, xin cảm ơn!)

Trời vào đông, người miền Nam chú ý giữ ấmTrời vào đông, người miền Nam chú ý giữ ấm

TTO - Dù vài ngày tới nhiệt độ có ấm lên nhưng từ nay đến cuối năm vẫn còn vài đợt không khí lạnh khuếch tán về, trời sẽ lại trở lạnh và việc giữ ấm là cần phải làm trong những ngày cuối năm.

Nguồn bài viết