Học yêu thương từ nhà của mệ Diệp

2 năm trước 134
Học yêu thương từ nhà của mệ Diệp - Ảnh 1.

Mệ Huỳnh Thị Diệp (90 tuổi, trú phường Kim Long, TP Huế) và cậu sinh viên Phan Văn Duy đang ở trọ miễn phí trong căn nhà của mệ - Ảnh: NHẬT LINH

Trong căn nhà này, không ai là ruột thịt máu mủ nhưng từ tấm gương của mệ, họ đã coi nhau như những người thân trong một gia đình, cùng nhau vượt qua khó khăn và nối dài những câu chuyện đẹp của lòng tốt giữa đời.

"Mệ" Diệp của nhiều thế hệ sinh viên

"Tìm nhà mệ Diệp cho sinh viên ở trọ miễn phí hả? Đi hết con hẻm này rồi rẽ tay trái ở ngã ba đầu tiên. Nhà mệ Diệp là căn nhà thứ tư nằm phía bên tay phải hoặc thấy căn nhà nào có nhiều sinh viên đang ở, đó là nhà của mệ", bác thợ sửa xe máy có tiệm nằm ngay đầu kiệt 104 đường Kim Long (TP Huế) chỉ đường khi chúng tôi hỏi nhà mệ Huỳnh Thị Diệp. 

Với hơn 30 năm trở thành nơi trú ngụ miễn phí của hàng trăm sinh viên khó khăn cả nước đến Huế theo đuổi con chữ thoát nghèo nên có thể nói gần như ai cũng biết nhà mệ Diệp.

Chúng tôi lần theo lời chỉ dẫn, căn nhà màu trắng nhạt đã phai màu theo thời gian hiện ra, trên bức tường còn hằn in vệt nước của trận lũ hồi giữa tháng 10 vừa qua. Thấy có khách, một cậu trai trẻ từ gian bếp chạy vội lên lễ phép mời khách vào nhà.

"Em tên là Phan Văn Duy, quê ở Nghệ An, sinh viên năm nhất Trường đại học Luật (Đại học Huế - PV). Em mới được mệ Diệp cho vào đây ở trọ hơn hai tháng nay và là em út trong nhà này", Duy lễ phép giới thiệu. 

Giới thiệu xong, Duy dẫn chúng tôi vào bên trong căn phòng ngủ gần bếp. Duy nhẹ nhàng đến bên bà cụ có thân hình nhỏ thó, mái tóc bạc phơ đang nằm nghỉ trên giường rồi ghé vào bên tai thì thầm: "Có khách mệ ơi".

Nghe xong, mệ Diệp liền bảo Duy từ từ dìu mình ngồi dậy. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, đôi mắt, đôi tai của mệ Diệp đã mờ và lãng hẳn. Suốt cuộc trò chuyện, Duy phải là người "phiên dịch" vì mệ nói "nghe tiếng người lạ không quen bằng tiếng mấy đứa nhỏ trong nhà".

Chau mày nhớ về quá khứ, dòng thời gian cứ chầm chậm cuộn về. Mệ Diệp kể vào những năm 90 của thế kỷ trước, cứ đến mùa thi đại học là mệ lại bắt gặp hình ảnh người cha, người mẹ là nông dân khắc khổ dẫn con cái đến Huế vật vờ tìm chỗ trú nghỉ. Có những người phải bán trâu, bán bò là tài sản quý giá nhất trong nhà để có tiền lận lưng cho con lên phố học lấy tri thức nhằm thoát cái nghèo. 

Thương người, mệ Diệp đã quyết định mở cửa căn nhà nhỏ của mình cho các sĩ tử nghèo vào ở trọ miễn phí thi đại học và sau này là ở trọ luôn cả quãng đời sinh viên. 

Năm đầu tiên, khu nhà của mệ Diệp đón bảy bạn sinh viên vào ở và từ đó đến nay, có khi căn nhà nhỏ trở thành nơi cưu mang cùng lúc hơn 20 bạn sinh viên từ khắp mọi miền như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Kon Tum...

"Nam thì ở tầng trên, trải nệm và chiếu ra giữa sàn. Nữ thì ở tầng dưới, có phòng học và phòng sinh hoạt chung. Tui coi mấy đứa như con trong nhà nên lo cho chúng lắm, đứa nào đi đâu về nhà muộn là tui nhắc nhở, thức chờ đợi tụi nó về mới an tâm đi ngủ được", mệ Diệp móm mém cười.

Học yêu thương từ nhà của mệ Diệp - Ảnh 2.

Bữa cơm trưa của mệ Diệp cùng những bạn sinh viên đang ở trọ miễn phí tại nhà mệ. Dù họ không cùng chung máu mủ ruột rà nhưng mọi người ở đây đều thương yêu nhau như ruột thịt - Ảnh: N.LINH

Học yêu thương từ tình thương của mệ

Mệ Diệp không có gia đình riêng nhưng ở cái tuổi xế chiều, mệ luôn có những người con luôn hết lòng chăm lo cho mình như tình thân ruột thịt. Bạn Phan Minh Chiều (23 tuổi, quê Hà Tĩnh) - anh cả trong nhà đang có năm sinh viên cùng trọ nói mọi người đều xem mệ Diệp là người mẹ, người bà thứ hai của mình.

"Mấy anh em trong nhà thương mệ như mẹ ruột nên đều cố gắng sắp xếp lịch học để lúc nào cũng phải có người ở nhà chăm mệ. Mệ già cả rồi, đi lại khó khăn nên tụi mình tự ý thức mình có trách nhiệm phải ở bên để giúp đỡ mệ trong sinh hoạt", Chiều nói. 

Chiều kể trước đây khi còn khỏe, mệ Diệp kiêm luôn cả đầu bếp nấu ăn miễn phí cho các bạn. Thế nhưng gần đây sức khỏe yếu dần, mệ Diệp gần như chỉ nằm một chỗ và cần có sự chăm sóc của người khác.

"Có lần mệ Diệp đi vệ sinh vào ban đêm. Do mắt mờ không thấy rõ đường nên bị trượt chân ngã, đầu đập xuống nền nhà. Tụi mình hoảng quá nên đưa mệ đi cấp cứu trong đêm. May mắn là lần đó mệ chỉ bị vết thương ngoài da. Từ đận đó mấy anh em quyết định phải chia lịch thay phiên túc trực ở nhà với mệ, vừa để tiện chăm sóc, vừa có người nói chuyện với mệ cho đỡ buồn", Chiều kể.

Ngay cạnh phòng ngủ của mệ Diệp là phòng ngủ của hai bạn nữ trong nhà. Xoa nhẹ lên đôi bàn tay gầy gò do năm tháng của mệ Diệp, bạn Trần Thị Ngọc Ánh, sinh viên Trường đại học Y Dược (Đại học Huế), kể rằng cũng từ cái lần mệ bị ngã do đi vệ sinh nên giờ đây cứ đêm đến là hai bạn nữ đều phải để ý... tiếng mở cửa phòng của mệ để có thể giúp mệ việc gì đó.

Hiện nay mỗi tháng mệ Diệp được Nhà nước hỗ trợ hơn 1 triệu đồng tiền trợ cấp neo đơn. Số tiền này được mệ đưa cả cho các bạn sinh viên để mua mắm, muối, đồ ăn trong nhà và lắng lo cho mệ lúc ốm đau, bệnh tật. 

Mỗi dịp có các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương đến thăm hỏi và tặng quà, mệ đều nói các bạn sinh viên chia phần quà của mệ ra để dùng chứ mệ không cần nhiều nhu cầu như thế.

Hơn 30 năm với tấm lòng thiện nguyện từ tâm, nhiều người con từng ở trong căn nhà, nhận sự chở che từ tấm lòng bao dung của mệ nay đã thành tài cũng học mệ và quay lại giúp đỡ những đứa em của mình. 

Chẳng hạn anh Trần Văn Dung, giám đốc Trung tâm Âm nhạc Melody Huế - một trong những người con trưởng thành từ mái nhà của mệ Diệp, vẫn hằng tháng ghé thăm người mẹ thứ hai của mình và thi thoảng mua thêm gạo, dầu ăn hoặc gửi tiền để hỗ trợ cho các em ở đây.

"Tôi coi mệ Diệp và các em sinh viên như là người thân trong gia đình mình. Sống ở căn nhà ấy, chúng tôi được mệ Diệp dạy cho cách để mở lòng yêu thương của mình ra với những người dưng không cùng máu mủ. Chỉ cần đối đãi với nhau bằng sự tử tế và lòng chân thành, những điều tốt đẹp sẽ mãi nở hoa", anh Dung nói.

Người dưng còn thấy thương quý mệ

26-10 Hoi am tinh than (4) 3(Read-Only)

Tuổi cao sức yếu, gần như mọi sinh hoạt của mệ Diệp đều nhờ cả vào các bạn sinh viên đang trú trọ trong nhà - Ảnh: N.L.

Xem Huế là quê hương thứ hai của mình, anh Trần Văn Hân (quê Nghệ An), giám đốc Trung tâm Âm nhạc Phanxico (TP.HCM), nói rằng anh từng gắn bó sáu năm ở căn nhà của mệ Huỳnh Thị Diệp.

Anh Hân kể vào năm 2003, anh là cậu học trò nghèo ở miền quê nghèo Nghệ An chập chững vào Huế tìm nơi ở trọ để thi vào Học viện Âm nhạc Huế và may mắn nhờ có sự giới thiệu của một người quen, anh Hân tìm đến căn nhà của mệ Diệp và được mệ giang tay chào đón.

Sau khi thi đậu đại học, anh Hân quyết định xin tiếp tục ở trọ tại căn nhà của mệ. Sáu năm trôi qua, sau khi ra trường anh đã vào TP.HCM để lập nghiệp và thành lập Trung tâm Âm nhạc Phanxico.

"Tôi coi Huế là quê hương thứ hai của mình bởi ở đó tôi có nhà, có một người mẹ luôn đợi tôi quay về. Mỗi lần ra Huế tôi đều đến căn nhà đó để thăm mẹ và các em", anh Hân nói.

Có những lần về thăm mệ Diệp, anh Hân thường kể chuyện về mệ trên tài khoản mạng xã hội cá nhân rồi có rất nhiều những người bạn dù không từng ở trong căn nhà của mệ Diệp cũng vào hỏi thăm, xin gửi quà và lời chúc sức khỏe đến mệ.

"Tôi thấy ấm lòng bởi việc làm của mệ Diệp được mọi người trân quý. Người dưng còn cảm thấy thế thì thật sự đã rất may mắn khi được làm con mệ Diệp", anh Hân chia sẻ.

Bằng những việc làm thiện nguyện của mình, mệ Huỳnh Thị Diệp đã được Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế vinh danh là 1 trong 10 gương mặt phụ nữ tiêu biểu của tỉnh trong năm 2022.

Sự tử tế sẽ hồi sinhSự tử tế sẽ hồi sinh

TTO - Tôi tin rằng trong bất cứ ai cũng có sự yêu thương, có điều nó ẩn chứa nơi thăm thẳm nhất của tâm hồn, trong lòng mình, nó sâu đến độ không đau thương thì không ai thấy được.

Nguồn bài viết