Trương Nhựt Hải nỗ lực và quyết tâm học tốt để cha an lòng dù đã không còn bên cạnh bạn nữa - Ảnh: BÌNH MINH
Điều ray rứt nhất với Hải là chưa kịp cho cha biết điểm thi. Cậu tự hứa với chính mình sẽ phải nỗ lực nhiều nhất để có cuộc sống tốt hơn như tâm nguyện cha từng ước mong khi còn sống.
Mình từng nghĩ được tới đâu hay tới đó, nhưng giờ mình sẽ nỗ lực hết sức để đi theo con đường đã chọn, thay đổi cuộc sống tốt hơn như ba mong muốn.
TRƯƠNG NHỰT HẢI
Vấp ngã để trưởng thành
Nhựt Hải học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Phú Nhuận (TP.HCM). Cơ duyên đưa bạn đến với trung tâm này là bởi từng thi trượt kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Ấy là cú ngã nặng mà cậu bé tuổi 15 ngày ấy chưa kịp nhận ra, thấy cũng... bình thường thôi dù chúng bạn đều đậu vào các trường THPT công lập.
Hải quyết định không học nữa, xin đi làm cho một quán ăn gần khu cầu Ông Lãnh (quận 1). Ngày phỏng vấn, nghe người ta kêu trả lương 5 triệu đồng/tháng, Hải phấn chấn lắm.
"Hồi đó nghe mức lương vậy thấy ham lắm vì nghĩ là sẽ có rất nhiều tiền. Nhưng vào làm rồi mới biết ngày nào cũng bắt đầu công việc từ 9h sáng đến tận 1h sáng hôm sau mới về nhà. Nhận lương ra mới biết không đủ chi tiêu cho riêng mình nói gì đến lo cho nhà", Hải nhớ lại.
Nhiều hôm về đến nhà, toàn thân rã rời, cậu dần nhận ra mình sai lầm khi chểnh mảng việc học để đến mức thi rớt.
Chị Thúy Ngân - chị ruột Hải - kể: "Chính trải nghiệm đó mà Hải thấm thía. Làm được 6 tháng, Hải quay về xin được đi học lại".
Nhưng cảm giác thi trượt cứ mãi ám ảnh nên Hải quyết định không thi lại mà chọn vào học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Phú Nhuận.
"Lần này thì quyết tâm rất nhiều, phải tự lực, cố gắng học tốt để thay đổi. Mình không muốn phải làm những công việc nặng nhọc thế kia và đó là động lực để mình quay lại học cấp III", Hải kể.
Nỗ lực vươn lên
Quyết tâm không để lặp lại sai lầm, Hải chọn ngồi đầu bàn để tập trung học tốt hơn. Với nỗ lực của bản thân cộng với sự giảng dạy nhiệt tâm của thầy cô, kết quả học của Nhựt Hải dần được cải thiện. Những môn tự nhiên trước đây "cả cột điểm không có điểm nào trên 5", giờ Hải đều đạt từ 8 trở lên. Chọn không học lệch, trong kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, Nhựt Hải đạt 25,7 điểm ba môn (văn, sử, địa), xếp thứ nhì toàn trung tâm.
Cậu còn là gương mặt tích cực với hoạt động Đoàn. Thầy Hoàng Văn Dũng - trợ lý thanh niên của trung tâm - nói Nhựt Hải rất tích cực với hoạt động chung, luôn hỗ trợ các thầy cô hết mình, không từ chối bất cứ việc gì được nhờ.
"Hải ngoan và rất nỗ lực. Ngày biết điểm thi của Hải, cả khu phố xôn xao vì điểm còn cao hơn nhiều bạn có điều kiện học tập tốt hơn ở mấy trường khác. Gia cảnh khó khăn, giờ ba lại mất đột ngột như vậy sẽ càng thêm khó", thầy Dũng nói.
Ba mất, nguồn thu nhập chính trong nhà phụ thuộc vào chị ruột Hải đang làm tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức).
Đam mê và tự mày mò học lập trình từ năm lớp 11, Nhựt Hải quyết định chọn ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, và đã xin một chân phụ bếp quán ăn để phần nào tự trang trải việc học.
Nhắc về cha, Hải rơi nước mắt, bảo cha cả đời lúc nào cũng chỉ lo cho mọi người, không muốn ai phải khổ. Bao nhiêu đồ đạc trong nhà, ba cứ âm thầm quan sát, thiếu gì mà trong túi có tiền là ba tự mua về. Người đàn ông 61 tuổi ấy không nề hà bất cứ việc gì để rồi bất ngờ đi mãi khi hoàn thành cuốc xe ôm đưa khách về Bình Dương hôm đó.
Nhựt Hải trải lòng: "Ba muốn mình học đại học để sau này không vất vả như đời ba. Mình hiểu rằng sự lo lắng của ba cũng chỉ mong khi không còn ba bên cạnh thì mình vẫn tự lo được cho bản thân. Mình chỉ có một con đường là phải học thật tốt để ba ở nơi nào đó yên lòng".
Thay đổi suy nghĩ
Từng nghe nhiều lời không hay kiểu trung tâm giáo dục thường xuyên toàn mấy đứa học yếu, quậy phá mới vô đó nên Hải có chút đắn đo khi đăng ký vào trung tâm học lại. Nhưng khi đã là học sinh ở đây, Nhựt Hải nhận ra nhiều điều tốt đẹp, được thầy cô chỉ bảo để dần cải thiện điểm số và thu nạp kiến thức.
"Trường mình nhỏ thật, cũng không cần điểm thi tuyển sinh, nhưng đã học là phải nghiêm túc chứ không chỉ có mấy bạn học yếu, chưa ngoan mới vào đâu. Mình nỗ lực học và muốn mọi người thay đổi cách nhìn về trung tâm giáo dục thường xuyên", Hải nói.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tuổi Trẻ đang tiếp nhận đăng ký học bổng
Mùa học bổng Tiếp sức đến trường thứ 20 (năm 2022), báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn cả nước tìm kiếm và trao khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng với tổng số tiền hơn 15 tỉ đồng.
Chương trình đang tiếp nhận đăng ký của tân sinh viên và người giới thiệu. Vui lòng truy cập địa chỉ: https://tiepsuc.tuoitre.vn, làm theo hướng dẫn để đăng ký.
Năm 2022 còn có năm suất học bổng toàn phần (được cấp trong 5 năm liên tục) trị giá 375 triệu đồng, 50 laptop (hơn 600 triệu đồng) tặng tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập và 1.500 ba lô tặng sinh viên (230 triệu đồng)...
Từ nguồn hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ, đến nay đã có 22.370 tân sinh viên được "tiếp sức" với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.