Thuyết trình suy nghĩ và đề xuất về sách giáo khoa của đại biểu Hội đồng Trẻ em TP.HCM
Đây là kỳ họp lần 10 Hội đồng Trẻ em TP.HCM do Thành Đoàn và Hội đồng Đội TP.HCM tổ chức. 55 đại biểu học sinh, đội viên đã thảo luận và chia sẻ nhiều suy nghĩ liên quan đến nội dung, hình thức trình bày, giá thành của sách giáo khoa cũng như ưu và nhược điểm trong việc tiếp cận sách mới.
Giảm tải kiến thức, bình ổn giá sách
Các bạn đều cho rằng ưu điểm của sách giáo khoa mới là trình bày sinh động, đẹp mắt, nhiều hình ảnh in màu, minh họa sống động, tạo hứng thú học tập cho các em.
Nội dung phù hợp với nhu cầu học, giúp trẻ tiếp cận và tiếp thu bài dễ hơn. Tuy nhiên, các bạn cũng nói kiến thức trong sách mới khá nặng, nhiều nội dung khiến các em khó phân tích, một số từ ngữ khó hiểu.
Dù sách được in màu hấp dẫn, bắt mắt hơn, giấy tốt nhưng lại làm cho sách nặng hơn, về lâu dài có thể làm ảnh hưởng sự phát triển cột sống khi học sinh vác cặp thường xuyên. Chưa kể giá sách lại cao hơn khiến học sinh khó khăn ít cơ hội tiếp cận sách.
Bạn Phạm Thị Ánh Hồng (Trường THCS Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) đặt vấn đề giá sách giáo khoa dù in trên bìa nhưng mỗi địa phương, khu vực khác nhau lại có giá bán dao động khác nhau.
"Em hy vọng giá bán sẽ được xác định lại và thống nhất, bởi nếu mức giá thay đổi tùy từng nơi thì niêm yết giá trên bìa để làm gì?", Ánh Hồng hỏi.
Các bạn mong giảm tải một số kiến thức trong sách mới phù hợp hơn với lứa tuổi, nhà trường và phụ huynh cần quan tâm đến học sinh nhiều hơn trong quá trình tiếp cận và học tập, tránh gây áp lực cho trẻ.
Đồng thời, cần chính sách hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn mua sách hoặc cho mượn sách. Ngược lại, ở góc độ học sinh, các bạn nói mỗi học sinh phải tự giác, chủ động tiếp cận kiến thức mới thay vì quá phụ thuộc vào thầy cô.
Cơ hội rèn luyện tính tự học
Chia sẻ với những trăn trở, kỳ vọng của các học sinh, một số chuyên gia, đại diện các sở, ban ngành thành phố tiếp thu khá cởi mở các đóng góp và trao đổi lại từ góc nhìn chuyên môn.
Ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nói chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành là sự đổi mới rất lớn về yêu cầu hình thức và nội dung của sách giáo khoa, có sự tính toán rất cụ thể từ chủ đề, môn học đến các lớp, lấy việc học của học sinh là trung tâm.
Tuy nhiên, việc học tại trường cùng sự hỗ trợ của giáo viên và sách giáo khoa mới chỉ là "phần cứng", còn lại đòi hỏi khả năng tự trau dồi, tự học của cả học sinh lẫn thầy cô.
Từ trải lòng của học sinh, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) nói bà nhiều lần góp ý kiến trong một số cuộc họp với thành phố về sách giáo khoa.
Bà cho biết một số trường cho phép học sinh để sách lại tại trường. Như vậy, trẻ chỉ cần mang theo tập mỗi khi đi học. "Riêng ý kiến về nội dung các môn tự nhiên, trong đó lớp 7 phải học toán lớp 8, chúng tôi sẽ làm việc cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo", luật sư Nữ cho biết.
Chị Trần Thu Hà - phó bí thư Thành Đoàn, chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM - nhấn mạnh chính mỗi học sinh nên tạo ra giải pháp, hình thành phương pháp học tập hiệu quả, thói quen đọc thêm sách, tự tìm hiểu kiến thức, bài giảng trong sách giáo khoa.
"Các em hãy chia sẻ với nhà trường và thầy cô, những người cũng đang gặp nhiều áp lực trong quá trình chuyển tải chương trình giáo dục mới, nỗ lực học hỏi, tương tác với thầy cô trên lớp và cùng giáo viên hoàn thiện quá trình giảng dạy" - chị Hà nói.
55 đại biểu là đội viên, học sinh đã thảo luận, thuyết trình nhóm và trình bày các ý kiến cá nhân liên quan đến sách giáo khoa
Ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - chia sẻ tại chương trình
Chị Trần Thu Hà - phó bí thư Thành Đoàn, chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM - trao quà cảm ơn các bạn là chủ tịch và phó chủ tịch Hội đồng Trẻ em TP.HCM các kỳ họp trước