Chị Trần Thu Hà, phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM (trái), tặng hoa cho khách mời chương trình giao lưu - Ảnh: K.ANH
Là một trong các hoạt động nhân 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022), chương trình giúp cả ngàn giáo viên, học sinh có dịp lắng nghe và biết nhiều hơn về vị lãnh đạo có bí danh Sáu Dân mà ngôi trường này mang tên.
Những dấu ấn về ông Sáu Dân
Chia sẻ tại buổi giao lưu, ông Phạm Chánh Trực - nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy, nguyên bí thư Thành Đoàn, chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống Thành Đoàn TP.HCM - nhắc lại những dấu ấn về người lãnh đạo kiệt xuất.
"Đồng chí Sáu Dân là con người của sự kiện lịch sử, người của những bước ngoặt lớn và những công trình lớn của quốc gia", ông Phạm Chánh Trực bày tỏ.
Với lịch sử đất nước, ông Sáu Dân là nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với gần 70 năm hoạt động cách mạng vô cùng phong phú và sôi nổi.
"Chính ông Sáu Dân chỉ đạo Thành Đoàn phát động đưa thanh niên xung phong đi xây dựng kinh tế, câu chuyện "xé rào" bung ra sản xuất… tất cả chỉ để lo cho người dân ấm no, hạnh phúc như lời Bác Hồ dạy" - ông Phạm Chánh Trực nhớ lại.
Ông Phạm Chánh Trực, chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống Thành Đoàn TP.HCM, giao lưu với các thầy cô cùng học trò Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TP.HCM) - Ảnh: K.ANH
Là người của thế hệ thứ tư, lớp người trẻ trong giai đoạn thành phố mới độc lập, bắt tay xây dựng kinh tế - xã hội, bà Quách Thu Nguyệt - nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Trẻ - nói về tình cảm mà ông Sáu Dân dành cho thế hệ trẻ.
"Tôi rất hạnh phúc, may mắn khi làm việc tại Nhà xuất bản Trẻ mà chú Sáu Dân chính là "bà đỡ" cho ra đời đơn vị này. Chú rất yêu và dành nhiều tình cảm cho thế hệ trẻ", bà Nguyệt cho hay.
Bà Quách Thu Nguyệt chia sẻ về chú Sáu Dân - Ảnh: K.ANH
Nghĩ về trách nhiệm của người trẻ
Bà Thu Nguyệt nhắc lại câu nói rất nổi tiếng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán của các em", và nói rằng nếu trước đây "là người tôi sẽ chết cho quê hương" thì hôm nay phải là "là người tôi sẽ sống và hiến dâng cho quê hương".
Ông Sáu Dân luôn dành cho thanh thiếu nhi sự quan tâm ân cần, sự khích lệ lớn lao. Ông từng khẳng định: "Vinh dự thuộc về những người tuổi trẻ sớm nhận ra mình, dám lên đường, thắng mọi khó khăn gian khổ, cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc".
Và chính ông cũng từng đặt vấn đề với tuổi trẻ thành phố: "Là thanh niên, chúng ta hãy tự suy nghĩ mình phải làm gì cho đất nước".
Bạn Trịnh Gia Phát - bí thư Đoàn Trường THPT Võ Văn Kiệt - chia sẻ: "Mình thấy tự hào khi được học tại ngôi trường mang tên ông. Đọc sách về ông, những câu nói của ông khiến chúng ta phải suy ngẫm. Bài học rút ra chính là tự bản thân cần phải cố gắng học tập để trở thành người có ích, đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố và đất nước".
Bạn Trịnh Gia Phát, bí thư Đoàn Trường THPT Võ Văn Kiệt, nói về trải nghiệm cá nhân - Ảnh: K.ANH
Thầy Phạm Quang Hiếu - hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt - cho biết trường đã có nhiều hoạt động để học trò hiểu và thêm tự hào khi được học tại ngôi trường mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Trong đó có hội thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của chú Sáu Dân, kết nghĩa với bốn ngôi trường cùng mang tên Võ Văn Kiệt tại các tỉnh thành phía Nam để tạo thêm mối giao lưu gắn kết.
"Điều cốt lõi là giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống và truyền thống cho học sinh. Trong đó lồng ghép giới thiệu để các em hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của ông Võ Văn Kiệt" - thầy Hiếu chia sẻ.
Anh Nguyễn Đức Nguyên, trưởng Ban Thanh niên trường học Thành Đoàn TP.HCM, trao các suất học bổng học tiếng Anh cho học sinh của trường - Ảnh: K.ANH