Mỗi lần Đức Huy thường nhuộm 10-20m vải để đảm bảo chất lượng tốt nhất - Ảnh: ĐÔNG PHONG
Sau lần đầu tiên thử nhuộm vải trong một buổi workshop, Đức Huy (Đống Đa, Hà Nội) đã bén duyên và bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về việc nhuộm thủ công. Từ việc lấy quần áo trắng đã cũ nhuộm thử, Huy đã tìm ra phương pháp nhuộm các loại vải tơ, đũi, lụa bằng cây cỏ tự nhiên.
"Khi du học tại Đức, mình không chỉ học về quy hoạch, kiến trúc mà còn phải học thêm kiến thức về xã hội học, văn hóa. Càng tìm hiểu, mình càng cảm thấy văn hóa có nhiều điều mới lạ, thu hút mình. Khi về Việt Nam, mình quyết định tìm hiểu lịch sử Việt và dấn thân vào lĩnh vực khôi phục cổ phục Việt Nam.
Sau khi tìm hiểu, mình thấy để hoàn thiện một bộ cổ phục không chỉ có quần, áo mà còn có nhiều phụ kiện như nón, mũ, vải may. Trong khi đó, các loại vải may cổ phục đều phải nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, chi phí rất đắt.
Nhận thấy cung cấp vải may cổ phục dù chỉ là một ngành ngách nhưng lại rất tiềm năng. Khi đó, mình mới nghĩ "tại sao mình không tự nhuộm vải để may cổ phục?" và quyết định ghép sở thích và việc làm cổ phục bây giờ", Đức Huy chia sẻ.
Gỗ tô mộc được dùng để điều chế nước nhuộm màu đỏ - Ảnh: HÀ QUÂN
Việc nhuộm vải để may cổ phục có nhiều khó khăn hơn so với việc nhuộm thông thường. Nguyễn Đức Huy chia sẻ, các màu vải trong sử liệu, tranh vẽ thường không được thể hiện rõ, cần thử nghiệm và đối chiếu nhiều lần để ra được màu như mô tả.
Qua hơn 2 năm nghiên cứu, Huy đã tìm được gần 50 màu sắc. Các nguyên liệu được sử dụng để nhuộm vải đều có sẵn trong tự nhiên. Đó có thể là các loại thuốc bắc, hay vỏ các loại quả, lá cây quen thuộc như: củ nâu, vỏ lựu, vỏ vải, lá bàng, lá ngải cứu, hồng hoa, tô mộc. Tùy vào từng nguyên liệu được sử dụng để làm nước nhuộm, vải thành phẩm sẽ có màu sắc khác nhau.
Nhuộm vải trông có vẻ đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao, chỉ cần sai sót một chút là phải bỏ cả tấm vải dài - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
"Khi mới bắt đầu nhuộm, do chưa có kinh nghiệm nên có lần mình nhuộm hỏng 20m vải vì phơi vải nhuộm trên dây nhôm. Nhờ đó, mình mới biết vải nhuộm màu tự nhiên rất dễ biến đổi màu khi phơi trên dây kim loại hoặc dưới trời nắng quá gắt", Nguyễn Đức Huy chia sẻ.
Vì nhuộm thủ công hoàn toàn, mỗi lần Đức Huy chỉ nhuộm từ 10-20m vải. Để vải lên màu như ý, Huy phải nhuộm đi nhuộm lại 14-20 lần, thậm chí có những màu cần nhuộm tới 100 lần. Các loại vải được Huy lựa chọn để nhuộm thường có nguồn gốc tự nhiên như đũi, tơ, lụa. Thành phẩm sau khi nhuộm có giá 350.000 đồng/mét (vải có chiều ngang 60cm).
"Thời gian tới, mình muốn tìm thêm nhiều màu mới, tạo họa tiết trên vải khi nhuộm thay vì nhuộm trơn như bây giờ. Thêm vào đó, mình sẽ đi sâu hơn vào việc nghiên cứu các chất liệu vải Việt Nam để tạo thêm các nguồn vải mới có tính ứng dụng cao.
Hiện các loại vải nhuộm tự nhiên ở các nước đang có giá thành rất cao, vì họ rất coi trọng đồ thủ công. Còn ở Việt Nam, việc nhuộm vải thủ công chưa được thực hiện nhiều. Mình thấy đây là thời điểm khá tốt để phát triển sản phẩm thủ công.
Mình mong muốn, các sản phẩm vải nhuộm tự nhiên tốt dễ tiếp cận đến nhiều người hơn, các bạn trẻ cũng có khả năng chi trả được cho những bộ quần áo vải tự nhiên như thế này", Nguyễn Đức Huy bộc bạch.
Để nhuộm 20m vải, Huy cần điều chế nước nhuộm từ 1kg tô mộc (một loại thuốc bắc) bằng cách đun sôi trong 30 phút - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Vải được ngâm vào dung dịch muối sắt để tạo lớp bám màu - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Hồng hoa (thuộc họ cúc) vừa là một vị thuốc đông y vừa là nguyên liệu nhuộm tự nhiên có giá khá cao khoảng 1 triệu đồng/kg - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Sau khi nhuộm, vải sẽ phơi khô trong bóng râm, nhiều loại vải nhuộm nếu phơi dưới ánh nắng trực tiếp sẽ bị đổi màu - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Gỗ tô mộc sau khi đã điều chế nước nhuộm được Huy tận dụng làm củi đun - Ảnh: NGUYỄN HIỀN