Học giả Trung Quốc gây bão mạng: 'Cưới vì yêu chứ đừng vì... cha mẹ'

3 năm trước 225
 Cưới vì yêu chứ đừng vì... cha mẹ - Ảnh 1.

"Tình yêu là thứ duy nhất trong lịch sử không thể xảy ra dưới áp lực" - giáo sư Liang Yongan - Ảnh: SCMP

Giáo sư Liang Yongan, 67 tuổi, là học giả văn chương thuộc Đại học Phúc Đán. Ông khá nổi tiếng trên mạng xã hội Bilibili (gần nửa triệu người theo dõi) nhờ đăng hàng chục video cho lời khuyên thẳng thắn, thực tế về tình yêu và mối quan hệ dành cho người trẻ.

Một trong số video đó đề cập đến nỗi lo lắng và bất an của những người độc thân khi bị gia đình và dòng họ hối thúc hẹn hò hoặc lập gia thất.

"Cha mẹ mong muốn tìm hạnh phúc cho các bạn, nhưng thật ra họ đang đào những cái hố để các bạn nhảy vào. Hãy nhìn tỉ lệ ly hôn cao ngất (ở Trung Quốc) mà xem", giáo sư Liang diễn giải trong đoạn video đã có 4,3 triệu lượt xem.

Vị học giả U70 nhấn mạnh đi tìm tình yêu chân thật quan trọng hơn cưới một ai đó để làm vừa lòng người khác.

"Tình yêu là thứ duy nhất trong lịch sử không thể xảy ra dưới áp lực. Chúng ta nên biết ơn các bậc sinh thành vì công lao nuôi dưỡng. Chúng ta nên hiểu nỗi lo của họ, nhưng chúng ta cần bảo vệ tầm quan trọng của tình yêu trong hôn nhân", ông khuyên nhủ.

 Cưới vì yêu chứ đừng vì... cha mẹ - Ảnh 2.

Chi phí xây dựng gia đình cao là một trong nhiều nguyên nhân cản trở người trẻ có ý định kết hôn - Ảnh: SCMP

Theo báo South China Morning Post, Niên giám thống kê 2018 của Trung Quốc ghi nhận nước này có 240 triệu người độc thân trên 15 tuổi, bao gồm 215 triệu người chưa bao giờ kết hôn và 23 triệu người đã ly hôn.

Đi ngược với cái nhìn tiêu cực, giáo sư Liang cho rằng tỉ lệ dân số độc thân cao là biểu tượng của tiến bộ xã hội. Ông kể khi nghe một vị quan chức Thượng Hải nói độ tuổi kết hôn trung bình ở quận Jinshan là 35, ông cảm thấy... hạnh phúc.

"Một người trẻ ở thành phố lớn có thể sống vui vẻ một mình. Cậu ấy hay cô ấy có thể đi du lịch, nghe hòa nhạc... Cái giá của việc từ bỏ cuộc sống độc thân rất cao, do đó các bạn nên tìm một người xứng đáng với tình yêu, khi đó bạn có thể sống một cuộc sống tốt hơn cuộc sống độc thân đang có", giáo sư Liang giải thích.

Trong xã hội hiện đại, tìm kiếm bạn đời có lắm gian nan vì nhiều lý do, từ việc không có thời gian hẹn hò, cho đến chi phí sống quá cao như mua nhà hoặc nuôi con. Giáo sư Liang cho rằng con người ta "tính toán quá nhiều" khi tìm tình yêu.

"Tôi luôn tin rằng tình yêu xảy ra ở cái nhìn đầu tiên. Bạn thích người đó, vậy là đủ. Nhưng đôi khi vài người trong chúng ta bỏ phí nhiều năm để tự hỏi liệu có nên yêu hay cưới một người... Ngày càng khó để hai người yêu nhau một phần vì đàn ông không quen với hình mẫu phụ nữ hiện đại tự lập và mạnh mẽ", ông nêu quan điểm.

Quan điểm của giáo sư Liang Yongan thu hút nhiều bình luận tán thưởng của dân mạng Trung Quốc, có người khen ông "lãng mạn" và "sâu sắc".

"Những gì thầy Liang nói còn hữu ích hơn lý thuyết tâm lý học", một bạn trẻ viết.

Muốn lập gia đình, sinh con không dễ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đẩy mạnh các nỗ lực để khuyến khích người dân sinh thêm con. Lực lượng lao động giảm dần và chi tiêu xã hội gia tăng đã làm dấy lên mối lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể chậm lại, cản trở đất nước cạnh tranh với những quốc gia khác.

Tuy nhiên, những hạn chế về tài chính, chi phí sinh hoạt và giáo dục tăng cao trên thực tế ảnh hưởng nặng nề đến chiến dịch ngăn chặn khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc.

Cách đây hơn 40 năm, Trung Quốc đưa ra chính sách một con để giải quyết tình trạng quá tải dân số và xóa đói giảm nghèo. Nhưng khi dân số già đi, Bắc Kinh bắt đầu... hoảng.

Tỉ lệ sinh năm 2020 của Trung Quốc giảm gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia nhận xét nếu chỉ đơn thuần là thông báo người dân được phép sinh thêm con thì không đủ để họ có động lực làm theo.

​Trung Quốc chính thức chấm dứt chính sách một con​Trung Quốc chính thức chấm dứt chính sách một con

TTO - Ngày 27-12, chính quyền Trung Quốc chính thức chấm dứt chính sách một con khi thông qua luật cho phép tất cả các cặp vợ chồng sinh con thứ hai.

Nguồn bài viết