Cô tân sinh viên Lưu Thị Minh Nguyệt đón nhận chiếc laptop từ đại diện báo Tuổi Trẻ - Ảnh: HÀ QUÂN
Sáng 5-3, tại Đại học Thủy lợi (Hà Nội), báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Đại học Thủy lợi thay mặt nhà tài trợ, 23 tỉnh thành đoàn phía Bắc tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường vượt COVID-19 đến giảng đường, dành cho tân sinh viên các tỉnh miền Bắc.
Ông Hồ Thanh Vinh - đại diện báo Tuổi Trẻ và ban tổ chức - chia sẻ, học bổng gửi tới 76 bạn sinh viên nằm trong chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 540 của báo, nhằm hỗ trợ kịp thời cho những học sinh giỏi trúng tuyển vào đại học, cao đẳng (tân sinh viên) nhưng hoàn cảnh khó khăn, có khả năng bỏ học.
"Báo Tuổi Trẻ kết nối cộng đồng xã hội cùng chung tay, sẻ chia đối với những bạn trẻ hiếu học. Không để các bạn mất đi những cơ hội học tập, tạo thêm động lực tinh thần giúp các bạn có một nghề tốt trong tương lai", ông Vinh cho hay.
Đợt này có 76 suất học bổng trao cho các tân sinh viên ở phía Bắc (23 tỉnh thành), mỗi suất trị giá 10 triệu đồng, suất đặc biệt khó khăn trị giá 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, 4 bạn tân sinh viên thiếu thiết bị học tập được nhận laptop từ Công ty cổ phần Vinacam.
Do dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chương trình diễn ra nhanh gọn, đảm bảo công tác phòng chống dịch sau nhiều lần tạm hoãn.
Những phần quà ý nghĩa trong lúc khó khăn giúp tân sinh viên tạm gác lại lo âu về kinh tế để tiếp tục theo đuổi ước mơ trên giảng đường đại học - Ảnh: HÀ QUÂN
Cầm trên tay chiếc laptop mới, Nguyễn Chí Quốc (19 tuổi) - tân sinh viên ngành điện, điện tử, Đại học Công nghiệp Hà Nội - không khỏi xúc động, vui mừng. Mồ côi từ nhỏ, ông bà cũng mất khi Quốc học cấp 3. Mất đi những người thân yêu nhất nhưng Quốc không từ bỏ ước mơ học đại học.
"Từ bé, mình đã yêu thích đồ điện tử. Gần nhà mình có khu đồng nát, từ bé mình đã nghịch tháo lắp đồ chơi, thiết bị điện tử. Lớn lên, mình yêu thích môn vật lý nhiều hơn. Qua gần một kỳ đi học, mình đã hiểu hơn về nghề quản lý, điều hành điện. Với chiếc laptop mới, mình dễ dàng tìm hiểu kiến thức điện tử, đọc tài liệu chuyên ngành mọi lúc mọi nơi", Nguyễn Chí Quốc tâm sự.
Trước mắt, Quốc sẽ vừa đi làm thêm vừa đi học để trang trải chi phí học tập đắt đỏ khi học đại học và tích lũy cho tương lai.
Các tân sinh viên thiếu thiết bị học tập được hỗ trợ laptop - Ảnh: HÀ QUÂN
Ngồi một góc tại hội trường lớn, khi các bạn về gần hết, Lưu Thị Minh Nguyệt - tân sinh viên ngành tài chính ngân hàng (Học viện Ngân hàng) - mân mê "món quà" mới. Nhìn ánh mắt tươi vui của Nguyệt, ít ai biết rằng chỉ mới 2 năm trước, cô tân sinh viên này đã nghĩ tới bỏ học, đi làm thêm để phụ giúp ông bà.
Thấu hiểu nỗi cô đơn do mất cả cha lẫn mẹ từ nhỏ và nguy cơ đối diện tương lai "mù mịt", ông của Nguyệt nhất quyết vay mượn để cháu có cơ hội thi đại học như chúng bạn. Sau đó, Nguyệt đã học hành chăm chỉ và thi đậu Học viện Ngân hàng.
"Mình tự ý thức rằng nếu không tự cố gắng thì không ai giúp được mình. Có học bổng thì cũng vừa là may mắn, vừa là áp lực để làm sao tận dụng sự giúp đỡ của các nhà tài trợ và báo Tuổi Trẻ - những người cho mình cơ hội để học tập tốt hơn. Mình mong sau này sẽ thành giao dịch viên, chuyên viên tư vấn nên phải cố gắng từ bây giờ. Sau này khi thành đạt, mình nhất định sẽ quay lại hỗ trợ các bạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như mình", Minh Nguyệt bộc bạch.
Đồ họa: NGỌC THÀNH