Dịch vụ giao thức ăn của các ứng dụng giao hàng trung gian từng góp phần giúp giản tiện cho cuộc sống đô thị nhộn nhịp - Ảnh: N.BÌNH
Giải thích tại cuộc họp báo tối 8-7 của đại diện UBND TP.HCM cho biết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đều phải đóng cửa, để tránh tụ tập đông người.
Đại diện các chuỗi thức ăn nhanh Lotteria, KFC Việt Nam đều cho biết đã sẵn sàng đóng cửa các cửa hàng ở TP.HCM từ ngày 9-7.
Grab Việt Nam cũng cho biết với công văn số 2279 của UBND TP.HCM, Grab sẽ tạm dừng các dịch vụ GrabBike (bao gồm GrabBike, GrabBike Economy và GrabBike Premium) và GrabFood (bao gồm GrabKitchen) trên địa bàn TP.HCM trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 9-7 hoặc cho đến khi có thông báo mới từ cơ quan chức năng.
Riêng dịch vụ giao hàng GrabExpress, dịch vụ đi chợ hộ GrabMart vẫn hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm của người dân.
Nhiều doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh thực phẩm đang sống nhờ các nền tảng giao hàng qua mạng cũng bị ảnh hưởng trực tiếp từ quy định mới này.
Theo ông Trần Quốc Thịnh - đại diện hệ thống Lẩu gà ớt hiểm 109 (quận Phú Nhuận, TPHCM) - thời gian qua ông bán ra trung bình 20-30 đơn hàng mỗi ngày, nhưng từ tối 8-7 ông bắt đầu thu xếp bàn ghế để nghỉ bán sau khi chính quyền thông báo không có bán hàng mang đi. Các đối tác giao hàng cũng thông báo ngưng hoạt động.
Theo ông Thịnh, lượng lớn sản phẩm không bán được ông buộc phải trữ đông ảnh hưởng đến chất lượng, chưa kể đã đổ tiền vào chạy truyền thông cho bán online, nên giờ dừng bán thì thiệt hại.
"Nếu có áp dụng thì nên áp dụng ngắn ngày hoặc xem xét áp dụng từng khu vực, thời điểm đang bùng phát dịch, rồi dỡ bỏ dần để đảm bảo vẫn phục vụ được nhu cầu thiết yếu người dân vừa chống dịch", ông Thịnh kiến nghị.
Tương tự, theo bà Trần Thị Hạnh - chủ quán bún bò trên đường Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh), thời gian qua bà bán mang đi mỗi ngày 100 - 120 tô, nhu cầu mua mang đi của người dân vẫn còn khá nhiều. Nếu giờ không cho bán mang đi thì người dân có nhu cầu họ phải mua ở đâu để ăn?
Theo bà Hạnh, nếu ngại dịch bệnh thì chính quyền có thể xem xét giới hạn khung giờ bán mang đi, hoặc chia khung giờ theo từng khu vực hoặc loại hình để vẫn đảm bảo hạn chế người dân ra đường tập trung mà vẫn cung cấp được thực phẩm cho họ.
Trong khi đó, nhiều người dân cho biết việc mua hàng để tự nấu ăn không dễ do đi chợ hiện nay cũng rủi ro, chưa kể nhiều người đang ở nhà trọ không được phép nấu nướng, hay điều kiện giờ giấc đi làm không cho phép. Do vậy, đặt mua thức ăn là nhu cầu tất yếu và thường xuyên.
Theo bà Ngọc (quận Bình Thạnh), cứ ngày trong tuần là bà đặt mua cơm cho cả gia đình vì không đủ thời gian để nấu nướng. Nếu giờ các quán ăn không được bán hàng mang đi, cuộc sống của bà phải sắp xếp lại.