Hậu Giang: Nghiên cứu xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung

2 năm trước 308
Chú thích ảnhChủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh phát biểu tại buổi họp.

Tại cuộc họp, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đánh giá, các ứng dụng chính quyền điện tử, đô thị thông minh triển khai trong năm 2020 đi vào vận hành, sử dụng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tỉnh đã cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng chỉ số mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin năm 2020, đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố, tăng 15 bậc so với năm 2019.

Ông Đồng Văn Thanh đề nghị, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các sở, ngành liên quan nghiên cứu, cải tiến các chỉ số thành phần để tiếp tục cải thiện thứ hạng của tỉnh về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong những năm tiếp theo; khẩn trương hoàn thành các thủ tục tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết về chế độ ưu đãi cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh theo quy định; nghiên cứu, triển khai các nội dung để hình thành khu công nghệ thông tin tập trung tỉnh Hậu Giang, tham gia chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng và hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025 của cơ quan, đơn vị mình trong tháng 5/2021.

Về công tác cải cách hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt và xác định trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý; tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; nâng cao chất lượng và hiệu quả thực chất việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tăng cường tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm đem lại sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, 100% các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có kết nối Internet và mạng nội bộ (LAN); 100% cán bộ, công chức tại cơ quan nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện, 98% tại cấp xã được trang bị máy tính. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đi vào hoạt động góp phần hoàn thiện hạ tầng cho Chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh hoạt động 24 giờ/7 ngày, đóng vai trò backup cho các ứng dụng, phần mềm, cơ sở dữ liệu của tỉnh, đảm bảo khả năng khôi phục hoạt động của các ứng dụng này khi có sự cố.

Chú thích ảnhQuang cảnh cuộc họp.

Phần mềm Quản lý văn bản được triển khai đến tất cả các sở, ngành, địa phương với hơn 300 đơn vị sử dụng. Chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã cấp cho khoảng 98% tổ chức, lãnh đạo có thẩm quyền ký số với tổng số chữ ký số được cấp trên toàn tỉnh là 1965 và đang thí điểm ký số trên thiết bị di động. Hệ thống họp trực tuyến đã được triển khai sử dụng ổn định, hiệu quả từ tỉnh đến huyện, góp phần phục vụ công tác chỉ đạo điều hành cấp lãnh đạo nhanh chóng, tiết kiệm thời gian thời gian, chi phí cho tổ chức các cuộc họp, hội nghị.

Cổng thông tin điện tử tỉnh được xây dựng mới và đưa vào vận hành, được cập nhật thường xuyên, nội dung thông tin luôn bám sát định hướng tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống một cửa điện tử triển khai tại 100% cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã; đã cập nhật 1.937 thủ tục hành chính thuộc danh mục thủ tục hành chính của các đơn vị trong tỉnh, trong đó cung cấp 1.535 dịch vụ mức 2 và 236 mức 3, cùng 166 mức 4; liên thông và cập nhật 1681 thủ tục hành chính lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tổng số hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công đến hết tháng 12/2020 là 87.669 hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn là 99,1%.

Nguồn bài viết