Hải Phòng quyết thu hồi gần 3.000ha nuôi ngao tự phát

2 năm trước 130
Hải Phòng quyết thu hồi gần 3.000ha nuôi ngao tự phát - Ảnh 1.

Hải Phòng xác định hiện có gần 3.000ha nuôi ngao tự phát trên khu vực biển thuộc quản lý của thành phố - Ảnh: T.THẮNG

Theo báo cáo của UBND TP Hải Phòng, hơn 100 hộ nuôi ngao tại khu vực ven biển thuộc quận Hải An và huyện Kiến Thụy đều tự phát, ban đầu các hộ nuôi với quy mô nhỏ nhưng sau đó mở rộng, lấn chiếm lên đến hàng ngàn hecta.

Năm 2011, UBND huyện Kiến Thụy rà soát các hộ nuôi ngao vùng ven biển trên địa bàn chỉ có 32 hộ với diện tích khoảng 147,1ha/30 chòi trông coi. Tuy nhiên, đến nay có 89 hộ với diện tích lên tới 2.557,5ha.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy, từ cuối năm 2011, địa phương đã có văn bản yêu cầu các hộ dân dừng việc nuôi ngao, chỉ nuôi thả trên diện tích cũ đến hết vụ nuôi nhưng các hộ không chấp hành, cố tình mở rộng thêm diện tích.

Chủ tịch UBND quận Hải An Dương Đình Ổn cũng cho biết địa phương xác định có 28 hộ đang nuôi ngao với diện tích 726,36ha. Tuy nhiên, tất cả các hộ đều không cung cấp được giấy tờ liên quan đến việc cho phép nuôi trồng thủy sản trên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không nộp bất cứ khoản thuế, phí nào cho địa phương.

Đặc biệt, trong các hộ nuôi có nhiều hộ thường trú tại các tỉnh khác như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa…

Ông Lê Anh Quân - phó chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng - cho biết thêm việc nuôi ngao tự phát của các hộ dân tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển.

Cụ thể, hiện đang phát sinh những tranh chấp giữa các ngư dân khai thác nguồn lợi hải sản tự nhiên tại ngư trường truyền thống với những người tự ý cắm cọc, quây thành bãi nuôi ngao; giữa các chủ bãi nuôi ngao với nhau và những người tự nhận bãi nuôi ngao với các doanh nghiệp đã được UBND TP cấp phép khai thác khoáng sản cát để phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội của TP...

Mâu thuẫn thực tế đã biến thành những vụ xô xát gây thương tích, tranh giành trên biển khi những người nuôi ngao tự phát cho rằng bản thân có công "khai hoang", phát triển kinh tế biển còn nhiều ngư dân thì bức xúc vì bị mất ngư trường khai thác hải sản, doanh nghiệp bị cản trở không thể khai thác cát tại khu mỏ đã được cấp phép.

Cũng theo ông Quân, hiện nhiều dự án trọng điểm của TP đang thiếu trầm trọng nguồn vật liệu san nền bởi các mỏ cát được TP cấp phép là để phục vụ những dự án này nhưng doanh nghiệp được cấp phép lại không thể khai thác.

Ông nhấn mạnh TP sẵn sàng tiếp nhận các thông tin để xác minh việc nuôi ngao của người dân bắt đầu từ bao giờ, họ đã đầu tư những gì. Nếu thực sự là ngư dân và họ không còn sinh kế nào khác ngoài việc nuôi ngao, chắc chắn TP sẽ quan tâm để đảm bảo quyền lợi đầu tiên.

Kiên quyết xóa bỏ những vùng nuôi ngao tự phát

Hải Phòng quyết thu hồi gần 3.000ha nuôi ngao tự phát - Ảnh 2.

Ông Lê Anh Quân, phó chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng - Ảnh: T.THẮNG

Theo chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, UBND quận Hải An và huyện Kiến Thụy đã tiến hành thiết lập các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các hộ dân tự nguyện di dời những vùng nuôi ngao tự phát ra khỏi khu vực các mỏ cát đã được cấp phép, cho thuê theo quy định; khu vực xung quanh khu vực mỏ cát và khu vực chuẩn bị xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ dự kiến khởi công vào tháng 10-2022.

Đến nay, UBND quận Hải An đã cưỡng chế di dời các công trình vi phạm trong 161ha tại Khu công nghiệp DeepC 2A, có 15/28 hộ dân tự nguyện di dời.

Ngày 26-8, UBND quận Hải An tiếp tục tổ chức đối thoại với 13 hộ dân chưa di dời nhưng các hộ không đến để đối thoại nên quận đã lập biên bản ghi nhận sự việc nhằm hoàn thiện phương án tổ chức cưỡng chế. Thời gian cưỡng chế dự kiến sẽ thực hiện từ ngày 8 đến 10-9.

Theo UBND TP Hải Phòng, những trường hợp không đồng ý với các quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước về việc giải tỏa vùng nuôi ngao tự phát thì có quyền khởi kiện ra TAND các cấp theo quy định của pháp luật.

Xuất hiện 'bảo kê' khai thác ngư trường biển Tây NamXuất hiện "bảo kê" khai thác ngư trường biển Tây Nam

TT - Ngư dân muốn vào khai thác tại vùng biển này phải xin phép, thậm chí phải trả tiền thuê ngư trường cho "ông trùm" đã xí phần, giữ quyền lực ngầm tại đây.

Nguồn bài viết