Hải Dương: Phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm năm 2021 đạt từ 8% trở lên

3 năm trước 378
Chú thích ảnhSơ chế vải xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam đặt tại xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. 

Theo đó, trong 6 tháng cuối năm, Hải Dương phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng từ 8% trở lên so với năm 2020, riêng 6 tháng cuối năm tăng 11,86% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,88%. Công nghiệp - xây dựng tăng 10,77%. Dịch vụ tăng 4,03%. Thu ngân sách nội địa cả năm 2021 đạt trên 14.000 tỷ đồng, tăng 27,8% so với năm 2020. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, thu hút các dòng vốn đầu tư, đặc biệt là từ các tập đoàn kinh tế lớn.

Cụ thể, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Hải Dương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tập trung đồng bộ các giải pháp để hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2021. Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý đầu tư và đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, trình duyệt các thủ tục chuẩn bị đầu tư để lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

Song song với đó, các ngành liên quan thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến sản xuất, kinh doanh của người nộp thế, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách để dự báo nguồn thu phát sinh từng tháng, quý và cả năm, từ đó có giải pháp hỗ trợ cho các đối tượng nộp thuế vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, bảo đảm nuôi dưỡng, tạo nguồn tăng thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021. Địa phương tập trung tín dụng cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất, kinh doanh và dự án có khả năng phục hồi cao; thực hiện tốt công tác quản lý khoa học, quản lý công nghệ và sở hữu trí tuệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đôn đốc các địa phương, chủ đầu tư thực hiện các thủ tục về đất đai đảm bảo tiến độ đầu tư của dự án…

Tại cuộc họp, bà Trịnh Thúy Nga, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đồng ý cơ bản với báo cáo do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh xây dựng và nhấn mạnh Sở cần tiếp thu ý kiến từ các thành viên trong cuộc họp để hoàn chỉnh báo cáo. Trong đó, lưu ý bổ sung các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh bị tác động bởi dịch COVID-19; việc thành lập các doanh nghiệp mới; thành lập và đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp; các dự án công trình trọng điểm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, trong 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất ước đạt khoảng 12.100 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 130.414 tỷ đồng, tăng 6,8% so; tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 8.800 tỷ đồng, tăng 19,7%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 248 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ, trong đó cấp mới 11 dự án với số vốn đăng ký 98 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 23 lượt dự án với số vốn tăng thêm 142,5 triệu USD.

Nguồn bài viết