Hải Dương mong muốn hàng hóa thông thương ra cảng Hải Phòng được tạo thuận lợi hơn - Ảnh: ĐÌNH QUẾ
Nhiều người dân tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng như ngồi trên lửa khi kỳ thu hoạch đến gần nhưng hiện vẫn còn 808ha cà rốt với tổng sản lượng trên 48.000 tấn, trong đó 245ha tại xã và 563ha người dân thuê đất ở các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách...
Số cà rốt trên trước khi đưa đi tiêu thụ, xuất khẩu đều phải đưa về xã Đức Chính để sơ chế. Do toàn tỉnh đang thực hiện cách ly xã hội, huyện Cẩm Giàng thực hiện phong tỏa nên việc vận chuyển cà rốt từ các địa phương khác về xã Đức Chính và từ xã này ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Theo người dân địa phương, vào đầu vụ cà rốt có giá từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, nếu bán theo diện tích thì đạt 9-10 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, từ khi việc lưu thông bị ách tắc và thời hạn thu hoạch ngày càng đến gần thì giá thu mua cà rốt đang giảm mạnh.
Vẫn còn hàng trăm hecta cà rốt của người dân Hải Dương đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn đang phải chờ tại ruộng để nghe ngóng tình hình lưu thông - Ảnh: ĐÌNH QUẾ
Bà Phạm Thị Tiền - trú thôn Xuân Kiều, xã Đức Chính - cho biết gia đình còn nửa mẫu cà rốt chưa bán được. Năm nay đang phấn khởi vì thời tiết thuận lợi nên cà rốt sinh trưởng tốt, nghĩ sẽ được giá mà lại gặp phải dịch bệnh khiến mọi thứ tiêu tan. Hiện thương lái chỉ trả 5-6 triệu đồng/sào, còn bán theo cân chỉ được 4.000 đồng/kg.
Ông Vương Đức Dũng - bí thư Đảng ủy xã Đức Chính - cho biết trên 70% sản lượng cà rốt ở xã được xuất khẩu qua các cảng tại TP Hải Phòng. Vì vậy, khi TP Hải Phòng dừng tiếp nhận lao động, hàng hóa từ Hải Dương việc thu hoạch, xuất khẩu cà rốt cũng bị "đóng băng".
"Thời tiết thuận lợi thì tối đa trong 20 ngày tới cà rốt phải được thu hoạch. Nếu để quá ngày cà rốt vượt kích cỡ, chất lượng giảm dẫn đến không bảo đảm điều kiện xuất khẩu, thiệt hại ước tính trên 240 tỉ đồng" - ông Dũng cho hay.
Các kho chế biến, lưu trữ đông lạnh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện đã cơ bản đầy - Ảnh: NGUYỄN NINH
Tại Công ty CP Nông sản Hưng Việt, huyện Gia Lộc hiện cũng có trên 1.000 tấn nông sản, chủ yếu là cà rốt, cải bắp chờ xuất khẩu qua các cảng ở TP Hải Phòng. Thời điểm chưa có dịch, chi phí vận chuyển mỗi container hàng từ công ty đến cảng là 3,5 triệu đồng. Hiện chi phí đã tăng gấp đôi nhưng cũng có rất ít doanh nghiệp, lái xe nhận chở hàng.
Nguyên nhân là do Hải Phòng có những quy định rất khắt khe đối với lái xe, phương tiện, hàng hóa từ Hải Dương. Trong khi đó, việc chở hàng nông sản xuất khẩu đều sử dụng container lạnh và hầu hết do doanh nghiệp, lái xe ở Hải Phòng thực hiện.
Ông Tăng Xuân Trường - giám đốc Công ty CP Nông sản Hưng Việt - cho biết nhiều ngày nay công ty chưa xuất được lô hàng nào vì không có lái xe nhận chở. Trong 3 ngày tới, nếu hàng không được đưa đi thì kho lạnh của công ty sẽ quá tải và buộc phải dừng thu mua nông sản của người dân.
Hải Dương đề xuất phương án thông thương
Ngày 21-2, UBND tỉnh Hải Dương cho biết đã có công văn đề nghị UBND TP Hải Phòng thống nhất đồng ý cho các doanh nghiệp thực hiện trung chuyển hàng hóa để tạo điều kiện nhanh nhất cho việc vận chuyển xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản.
Theo đề nghị của tỉnh, phương tiện chở hàng hóa của Hải Dương (lái xe có giấy xác nhận kết quả âm tính bằng phương pháp PCR của CDC tỉnh Hải Dương) đến tập kết tại khu vực chốt kiểm dịch giáp ranh giữa Hải Dương với Hải Phòng để lại xe và lái xe từ phía Hải Phòng đến lái phương tiện vào địa bàn TP Hải Phòng.
Đối với hàng hóa vận chuyển bằng xe đầu kéo có thể thực hiện bằng việc đổi đầu kéo và lái xe của Hải Dương bằng đầu kéo và lái xe của Hải Phòng. Những ngày tới, tỉnh sẽ tiếp tục đánh giá đúng tình hình dịch ở từng địa phương, khu vực và từng bước thay đổi mức độ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch để tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa.
Để đáp ứng điều kiện của các địa phương khác, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương đã bố trí nguồn lực ưu tiên xét nghiệm, cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các lái xe vận tải hàng hóa để phục vụ sản xuất, tiêu dùng, nhu yếu phẩm.
Đoàn viên thanh niên tham gia "giải cứu", thu hoạch nông sản hộ người dân tại Hải Dương - Ảnh: NGUYỄN NINH
Ông Trần Văn Quân - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương - thông tin hiện toàn tỉnh vẫn còn gần 70.000 tấn cà rốt chưa thu hoạch và trữ trong kho lạnh chờ xuất khẩu. Hệ thống kho lạnh của các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã cơ bản chứa đầy nên ngành nông nghiệp mong muốn các tỉnh, thành phố trong cả nước quan tâm, tạo điều kiện tối đa cho nông sản của Hải Dương lưu thông.
"Đối với mặt hàng cà rốt xuất khẩu, Hải Dương đã đề nghị với TP Hải Phòng nhiều cách thức vận chuyển bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Mong Hải Phòng sẽ sớm thống nhất thực hiện, giảm thiệt hại cho nông dân" - ông Quân nêu.
Những ngày gần đây, hàng trăm tấn nông sản rau xanh của người dân Hải Dương cũng đã các cá nhân, tổ chức trên địa bàn và một số tỉnh thành, đặc biệt tại Hà Nội "giải cứu". Thống kê trong 3 ngày gần đây, hơn 500 tấn rau xanh gồm nhiều loại từ cải bắp, cà chua, cà rốt... đã được người dân tại TP Hà Nội tiêu thụ.
Tại tỉnh Hải Dương, đoàn viên thanh niên thuộc Tỉnh đoàn cũng tích cực tham gia "giải cứu", thu hoạch nông sản giúp người dân để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Mặc dù số lượng tiêu thụ vẫn chưa thấm tháp so với lượng tồn đọng hàng chục ngàn tấn song cũng phần nào giúp người dân tại Hải Dương cảm thấy ấm lòng bởi sự chung tay của người dân.