Hưng Yên triển khai các biện pháp sớm phục hồi sản xuất nông nghiệp

2 tháng trước 34
Chú thích ảnhNhiều diện tích nhãn của thành phố Hưng Yên bị gãy đổ. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Theo đó, tỉnh Hưng Yên yêu cầu các sở, ngành và các địa phương tập trung cao độ, triển khai đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả các biện pháp, giải pháp khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tổng hợp, đánh giá chính xác đầy đủ thiệt hại do bão số 3 gây ra để làm cơ sở các chính sách, biện pháp hỗ trợ kịp thời cho các địa phương bị thiệt hại theo quy định của pháp luật, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng đó, tăng cường các biện pháp quản lý, theo dõi, giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh, cung cầu hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, vật tư, nguyên liệu bảo đảm cho sản xuất; bảo đảm nguồn cung hàng hóa và ổn định giá cả; không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình để đầu cơ trục lợi, thao túng, lũng đoạn thị trường làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp theo quy định; chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực của địa phương (ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác) để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp các địa phương có mức độ thiệt hại lớn, nếu phần ngân sách địa phương bảo đảm vượt quá 50% nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện, cấp xã được UBND tỉnh giao thì khẩn trương tổng hợp, đề xuất phương án hỗ trợ gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Cùng với đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp để khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất nông nghiệp tại các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão, mưa lũ, sạt lở đất vừa qua; chủ động rà soát lại kế hoạch sản xuất, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, hiệu quả, thuận tiện, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là bảo đảm chuỗi cung ứng giống cây trồng, vật nuôi khắc phục hậu quả bão, lũ.

Chú thích ảnhHầu hết toàn bộ diện tích chuối của người dân xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên bị mất trắng sau bão. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Dù cơn bão số 3 và mưa lũ trên các con sông đã qua được 1 tháng nhưng việc khôi phục sản xuất của các hộ trồng chuối trên địa bàn xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên gặp rất nhiều khó khăn, bởi diện tích chuối gãy đổ, bật gốc là quá lớn trong khi đó việc thu dọn mất rất nhiều công sức.

Đứng bên vườn chuối rộng hơn 6 ha bị mất trắng, ông Trần Văn Thoại vẫn không tin đó là sự thật. Ông Thoại bần thần kể, năm nay gần 60 tuổi nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận bão lớn như vậy. Hầu như toàn bộ hơn 6 chuối của gia đình mất trắng chỉ sau một đêm. Nhìn những buồng chuối non "ăn cũng chẳng được mà bán cũng chẳng ai mua" nằm ngổn ngang mà xót xa.

Ông Thoại cho biết, những năm trở lại đây, việc trồng chuối Tết mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nên gia đình ông đã thuê đất để mở rộng diện tích. Đặc biệt, những năm trở lại đây chuối bán rất được giá, nhất là chuối Tết nên người dân ai nấy cũng phấn khởi. Vụ chuối Tết năm nay, gia đình ông dự tính sẽ cho thu hàng trăm triệu đồng nhưng nay đã mất trắng.

"Việc khó khăn nhất lúc này là dọn dẹp lại vườn khi diện tích chuối gãy đổ, bật gốc là quá lớn. Hơn một tháng nay, gia đình tập trung dọn dẹp nhưng vẫn chẳng được là bao. Hiện vốn đầu tư cũng đã dồn hết vụ chuối Tết nên gia đình rất mong muốn được vay vốn để khôi phục sản xuất", ông Thoại nói.

Chú thích ảnhHầu hết toàn bộ diện tích chuối của người dân xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên bị mất trắng sau bão. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên, ông Trần Văn Mý cho biết, hầu như toàn bộ gần 20 ha chuối của hợp tác xã tan hoang chỉ trong một đêm. Không chỉ có chuối, gần 20% diện tích nhãn của hợp tác xã (30 ha) cũng bị bật gốc hầu như không thể khắc phục được. Năm nay hợp tác xã "trắng tay" vụ chuối, còn sản lượng nhãn năm 2025 cũng sẽ giảm đáng kể.

Ông Mý chia sẻ, sau bão lũ, hợp tác xã đã huy động các thành viên ra dọn dẹp thu hoạch để nhanh chóng khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, diện tích thiệt hại quá lớn, trong khi đó chi phí dọn dẹp cải tạo lại vườn cũng không hề nhỏ nên người dân gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, hợp tác xã mong muốn nhà nước, tỉnh có chủ trương hỗ trợ và chính sách ưu đãi vay vốn để người dân sớm khôi phục sản xuất.

Theo UBND tỉnh Hưng Yên, bão số 3 và lũ trên sông Hồng, sông Luộc vừa qua đã gây thiệt hại trên 3.600 tỷ. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại nặng nhất với hơn 3.300 tỷ đồng; nhà ở khoảng 87 tỷ đồng; giáo dục khoảng 16 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 65 tỷ đồng...

Nguồn bài viết